Sức hút từ các dòng thác
Chèo thuyền phao vượt ghềnh thác là môn thể thao du lịch có ở nhiều nước, nhưng chỉ mới xuất hiện tại hai nơi ở Việt Nam là khu vực Lâm Đồng và ở sông Serepok (Đắk Lắk). Ở phía bắc nước ta có khá nhiều thác nước cao và đẹp, nhưng không thể khai thác loại hình thể thao du lịch chèo thuyền vượt thác. Trong khi đó, nhờ thiên nhiên ưu đãi với những thác nước có độ cao vừa phải và có nhiều đoạn ghềnh thác thoai thoải, cho nên sông Đạ Đờn của Lâm Đồng và sông Serepok của Đắk Lắk có những đoạn rất phù hợp để khai thác hình thức du lịch vượt ghềnh thác. Sông Serepok có điều đặc biệt và duy nhất ở Việt Nam là chảy ngược về phía mặt trời lặn, sang vùng đất của Cam-pu-chia sau đó mới xuôi về miền Tây Nam Bộ để rồi hòa mình ra biển. Chúng tôi quyết định tham gia tua chèo thuyền phao vượt thác ghềnh trên sông Serepok với mong muốn một lần biến giấc mơ chinh phục dòng sông của đại ngàn Tây Nguyên thành hiện thực, được cầm mái chèo, băng qua những thác ghềnh tung bọt trắng xóa, rồi trôi đi giữa thiên nhiên hoang dã của vùng đất cao nguyên.
Hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi trong chuyến chinh phục lần này là hướng dẫn viên người dân tộc Ê Đê Y Brơn và hướng dẫn viên Nguyễn Công Trình, một người quê tỉnh Thái Bình vào đây lập nghiệp. Nhìn tay chèo vững vàng và làn da rám nắng của họ, chúng tôi yên tâm phần nào và leo lên chiếc thuyền phao đang bồng bềnh nơi chân thác Gia Long (hay còn gọi là thác Dray Nur thượng), điểm xuất phát của tua du lịch trên sông Serepok. Chúng tôi mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm, để đồ đạc vào một túi chống nước chuyên dụng cài trên thuyền và bắt đầu hành trình chinh phục ghềnh thác của dòng sông. Theo tay chèo của hai hướng dẫn viên, thuyền nhẹ nhàng cuốn theo dòng nước hiền hòa và cũng rất nhanh thôi, chúng tôi đã ở giữa dòng để cảm nhận sự mát mẻ, thoáng đạt khi lênh đênh trên mặt nước đỏ nặng phù sa. Y Brơn bảo đợt này sông nhiều phù sa vì vừa qua đợt xả lũ, bình thường dòng Serepok mang mầu xanh trong của đại ngàn và bầu trời cao nguyên thật quyến rũ. Nghe thì như vậy, nhưng tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp riêng hùng vĩ của dòng sông trong cái mầu đỏ nâu đậm đặc ấy, khỏe khoắn và mộc mạc như con người, thiên nhiên Tây Nguyên. Chẳng phải đợi chờ lâu, điểm thử thách đầu tiên đã tới là một ghềnh thác khá dài, nước chảy nhanh, nhưng không quá dốc và xiết, tung bọt trắng xóa. Y Brơn và Công Trình nhắc nhở chúng tôi bám thuyền để bắt đầu lao theo dòng vượt ghềnh. Sóng nước tung lên, đổ ập vào chúng tôi ướt nhẹp, cùng với đó là tiếng hò reo sung sướng và đầy phấn khích của cả nhóm. Các tay chèo phải làm việc liên tục, khéo léo điều khiển chiếc thuyền phao đi vào dòng nước và tránh né những ghềnh đá nhô cao như đang muốn níu kéo chiếc thuyền. Qua đoạn thác ghềnh, dòng nước lại trở về êm đềm trôi, nhưng với chúng tôi, dư âm của khoảnh khắc thú vị vừa qua thật khó tả. Có lo lắng khi bước vào thử thách, song trên tất cả là niềm vui, niềm tự hào vượt qua chính mình và vượt qua thiên nhiên.
Điều thú vị của Serepok trên hành trình của tua du lịch là ở giữa dòng có một bãi đá kỳ ảo như thạch trận hiện ra. Theo hướng dẫn viên Công Trình, đây là bãi đá trầm tích chìm sâu trong nước từ xa xưa. Khi làm đập thủy điện lớn đã ngăn dòng nước của sông Serepok nên bãi đá bị phơi lộ, đẹp đến bất ngờ. Cả vỉa đá trầm tích rộng mênh mông, bạt ngàn đá cổ, từng lớp xếp chồng với những vết cắt tự nhiên như dao chém và có các gam mầu nâu, đen, đỏ rất rực rỡ và đẹp mắt được xác định là đá trầm tích lục nguyên kỷ Jura. Đây thật sự là một địa chỉ “sống ảo” hết sức ấn tượng với khách du lịch, đồng thời giúp họ có thể cảm nhận được thiên nhiên độc đáo, không kém phần bí hiểm để tiếp tục khám phá.
Trên hành trình xuôi dòng Serepok, chúng tôi được đắm mình thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông với những bến nước yên bình của đồng bào dân tộc thiểu số và xem họ đánh bắt cá… Thấp thoáng những thanh niên bản địa đang mải miết bắt cá trên sông. Là đặc sản của sông Serepok, cá lăng ở đây rất quý nhưng không hiếm, vì thế đến với Tây Nguyên thì nhất định nên thử món ăn đặc sản này. Thuyền phao cứ nhẹ nhàng lướt đi giữa hai bờ sông với những dãy núi phủ xanh mầu cây cối hùng vĩ và nên thơ. Chúng tôi đã dừng thuyền ngắm nhìn vẻ đẹp thuần khiết và hoang sơ hiếm có của dòng thác thứ hai trên sông Serepok với những dòng nước ầm ào đổ xuống từ trên cao, phủ mờ hơi nước và trải dài như dải lụa trắng nổi bật trên nền núi xanh. Có lẽ cũng vì thế mà người dân bản địa nơi đây đã gọi là thác Lụa.
Y Brơn và Công Trình giục chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình để vượt qua thử thách thứ hai và đón nhận những điều thú vị đang chờ phía trước. Ghềnh thác lần này khá gập ghềnh đá, như thể một thạch trận nữa được thiên nhiên bày ra thử thách. Chiếc thuyền phao lao đi, va vào các tảng đá hai bên, thậm chí cả những ghềnh đá lẩn khuất dưới dòng nước xiết cũng đang kéo giữ, cản trở nó trượt theo dòng nước. Các tay chèo loay hoay đẩy thuyền ra, rồi lại lao đi, rồi lại va vào các ghềnh đá nhô lên. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân trong Người lái đò Sông Đà thì “Trong tất cả bấy nhiêu cái luồng giận dữ của một con thác, bao giờ cũng có một luồng êm, cứ đi đúng vào chính giữa cái luồng tương đối đằm dịu ấy, thì thuyền ta cứ muôn đời mà êm”. Quả thế thật, sự đồng lòng, giúp chúng tôi đưa được thuyền thoát khỏi ghềnh để đi vào vùng nước bình yên. Thật thú vị khi ghềnh thác thứ hai tiếp tục bị chinh phục và chúng tôi lại được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ với các dòng nước trôi và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh mát.
Điểm cuối của hành trình trên sông Serepok cũng là một thác nước nhưng thuộc địa phận bờ bên phía tỉnh Đắk Nông. Thác nước mang vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ, chảy ra từ lòng núi đổ vào dòng sông. Dưới chân thác nước xanh mầu ngọc bích hòa vào mầu xanh của cây cối bao quanh tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt. Không kìm lòng nổi trước vẻ đẹp kỳ ảo đó, tất cả rời khỏi thuyền và trầm mình vào dòng nước mát lạnh rồi để mặc dòng nước trên thác xối xả, mơn man đổ xuống cơ thể. Đó thật sự là những phút giây sảng khoái đến tuyệt vời mà thiên nhiên có thể trao tặng.
Sau khi tắm mát ở thác nước phía Đắk Nông, hai hướng dẫn viên chèo thuyền về bờ bên kia của sông Serepok để chúng tôi thưởng thức món khoai bùi và ngọt của Đắk Lắk. Nơi chúng tôi ngồi nghỉ là một trong những điểm rất đặc trưng của đất Tây Nguyên, đó là những vỉa đá nham thạch độc đáo trải dài và rộng bên bờ sông Serepok. Y Brơn cho hay, núi lửa phun trào đã tạo thành vỉa đá đen trơn bóng và cũng do việc xây dựng các đập thủy điện dẫn đến sông bị cạn nên các vỉa đá phơi lộ. Chúng tôi quyết định lang thang trên vỉa đá để cảm nhận sự độc đáo của nó dù nắng trưa Tây Nguyên bỏng rát. Tới cuối vỉa đá, tất cả lại lạc bước tới một dòng thác rất nên thơ có tên thác Bông. Nếu phía trên và dưới dòng thác rất hiền hòa, thì giữa thác lại khá dữ dội. Nước cứ ào ạt tuôn trào hung dữ, bọt nước trắng xóa như bông nổi bật trên vỉa đá đen nham thạch. Được biết, đây là điểm check-in nhất định phải tới của bất kỳ khách du lịch nào khi đã tham gia tua chèo thuyền phao mạo hiểm này.
Trân trọng, bảo vệ thiên nhiên
Lênh đênh trên sông, chúng tôi được hai hướng dẫn viên kể nhiều về những truyền thuyết gắn với dòng sông, về cây chồng, cây vợ bên bờ sông Serepok hay truyền thuyết về thác chồng, thác vợ (Dray Nur và Dray Sap). Chúng tôi đã tới đỉnh thác Dray Nur trước khi chia tay với hành trình du lịch vượt sông Serepok ấn tượng và lý thú. Thế mới biết, khách du lịch đến với Đắk Lắk giờ không chỉ có cưỡi voi, nghe cồng chiêng, đàn T’rưng, thăm nhà rông, ngắm thác, thăm vườn cà-phê, vườn tiêu mà còn một hành trình rất thú vị để thử thách lòng dũng cảm, sự bền bỉ, dẻo dai, sức mạnh thể lực và cả sức mạnh tinh thần, để vượt lên chính mình. Đành rằng, tua chèo phao trên sông Serepok dù chưa mang lại cảm giác mạnh mẽ, dữ dội như các trò chơi mạo hiểm trong nước hiện nay như: zipline, flyboard, chèo thuyền kayak, dù bay – lướt ván – leo núi trên biển, nhưng nó thật sự ấn tượng và điều quan trọng hơn cả, giúp mỗi người tham dự thêm hiểu và thêm yêu thiên nhiên và con người của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Thực tế là khi chưa có dịch Covid-19, tua du lịch chèo thuyền phao trên sông Serepok đã thu hút rất nhiều khách du lịch người nước ngoài. Chỉ mãi đến gần đây, khách du lịch trong nước mới biết tới nhiều, nhưng số lượng tham gia còn hạn chế. Công Trình cho biết, trước đây, mỗi ngày thường có từ ba đến bốn tua, song hiện tại mỗi ngày chỉ có một tua cho khách trong nước hoặc thậm chí không có.
Tôi từng đọc nhiều tác phẩm văn học mô tả hành trình vượt thác ghềnh của đủ người, từ những lao động sông nước, cho đến các nhà thám hiểm, khách du lịch và cả những người cứu hộ… Thế nhưng, ngay cả vậy, tôi cũng không thể hình dung hay cảm nhận được rõ sự khó khăn, nguy hiểm của cảnh vượt thác cho đến khi tự mình trải nghiệm thực tế qua các thử thách trên dòng Serepok. Ở đấy, chúng tôi còn thấy được sự hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên, sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp hoang sơ của núi rừng với sự dịu dàng, tĩnh lặng của những khu dân cư hai bên bờ sông.
Rõ ràng, Đắk Lắk có một thế mạnh trong việc phát triển du lịch thể thao nhằm đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, nhất là khi những hoạt động trải nghiệm kiểu này đang rất được nhiều người trẻ tuổi yêu thích, mong muốn trải nghiệm. Và nếu đã biết đến rồi, tất cả sẽ có ý thức hơn về việc phải gìn giữ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên thơ mộng vốn có của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.