Sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái được xem là lợi thế của “ngành công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk. Vì thế cộng đồng làm du lịch ở đây luôn tập trung đầu tư vào loại hình du lịch này ngày càng đồng bộ, có chiều sâu hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm của du khách.
Những gam màu sáng
Theo Phòng Quản lý Du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), 7 tháng của năm 2022, Đắk Lắk đón gần 600.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 435 tỷ đồng, trong đó khoảng 80% đến từ loại hình du lịch văn hóa – sinh thái. Thành quả đó tiếp tục được khẳng định trong những tháng cuối năm nay, khi lượng khách tiếp tục đến đây có xu hướng tăng mạnh, dự đoán mục tiêu đề ra trong năm 2022 là Đắk Lắk đón trên 900.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 720 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi, thậm chí vượt kế hoạch từ 25 – 30%.
Trải nghiệm với thuyền độc mộc trên Hồ Lắk được du khách yêu thích. Ảnh: Hữu Hùng |
Điều đáng nói là trên mặt bằng chung ấy, loại hình du lịch văn hóa – sinh thái ở đây đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đặt ra trước mắt cũng như những năm tiếp theo trong lộ trình, cơ cấu ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung được các cấp thẩm quyền hoạch định. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, đến nay có 17/21 khu, điểm du lịch văn hóa – sinh thái trên địa bàn Đắk Lắk đã được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định được hình ảnh của mình trên bản đồ du lịch vùng Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước. Ngoài những điểm đến quen thuộc và nổi tiếng như Khu du lịch Hồ Lắk, Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Cụm thác Dray Nur – Gia Long (huyện Krông Ana), Thủy Tiên (huyện Krông Năng); Khu du lịch văn hóa – sinh thái cộng đồng Kô Tam, Bảo tàng thế giới Cà phê, Bảo tàng Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột)… còn có một số địa chỉ nổi lên khá hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách như Vườn sinh thái Troh Bư (huyện Buôn Đôn), Khu du lịch nghỉ dưỡng Đường mòn Cao Nguyên (huyện Lắk), Điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông, buôn Tơng Jú, Khu du lịch sinh thái Suối Ong, Đồi Trầm (TP. Buôn Ma Thuột).
Bà Phương Hiếu chia sẻ thêm: Hiện một số dự án có quy mô lớn như Khu du lịch văn hóa – sinh thái dọc sông Sêrêpốk (huyện Buôn Đôn), Khu du lịch văn hóa – sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột), Đồi cảnh quan Cư H’lâm (huyện Cư M’gar) và đặc biệt là Đề án “Phát triển du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ” được người dân cùng chính quyền địa phương nỗ lực triển khai, xây dựng từ nay đến năm 2025, chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, giàu bản sắc, thân thiện với cảnh quan môi trường, góp phần xứng đáng vào mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Xác định bước đi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho rằng, một khi đã xác định tiềm năng, thế mạnh du lịch ở đây là văn hóa – sinh thái thì nhất thiết phải gìn giữ và bảo tồn bằng mọi giá vốn tài nguyên quý giá ấy. Bởi đó là hai trụ cột quan trọng để chúng ta quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Buôn A Kô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), điểm du lịch giàu bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường. |
Đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030 thì trước mắt và những năm tiếp theo, chính quyền địa phương và cộng đồng làm du lịch ở Đắk Lắk phấn đấu đưa ngành kinh tế này phát triển với tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao dựa trên nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, từ đó tạo thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao” . Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
|
Ưu tiên phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa – sinh thái là để giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời bảo đảm “ngành công nghiệp không khói” này có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà. Để đạt được mục tiêu trên, cần quán triệt và thực hiện các giải pháp được đề ra trong Kế hoạch phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó chú trọng đầu tư, phát triển dịch vụ nông nghiệp, thương mại, du lịch trong các buôn làng; khôi phục làng nghề thủ công truyền thống gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa – sinh thái ở những nơi có điều kiện. Tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh để thiết lập không gian kinh tế du lịch theo hướng đồng bộ, thống nhất về sản phẩm, nguồn nhân lực cũng như công tác quảng bá và xúc tiến du lịch theo định hướng bảo đảm về môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc tại chỗ.
Rõ ràng, từng bước đi của ngành du lịch Đắk Lắk đã được hoạch định một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn đặt ra. Vấn đề còn lại là người dân và cộng đồng làm du lịch ở đây phải biết tìm cách tổ chức, khai thác có hiệu quả, bền vững loại hình du lịch này như lợi thế so sánh, có tính cạnh tranh cao trong khu vực Tây Nguyên và cả nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đắk Lắk theo lộ trình đã định.