Tình đoàn kết trên đất Tây Nguyên
Lễ hội Hảng Pồ năm 2024 diễn ra trong ngày 27 và 30 tháng Giêng Âm lịch tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với nhiều hoạt động phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc. Lễ hội Hảng Pồ có nghĩa là hội chợ trên đồi hay còn được gọi là Hội Xuân, thường được tổ chức tại các làng bản trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở phía Bắc. Đây là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả. Các cụ ông, cụ bà, các bậc trung niên gặp lại nhau uống với nhau những ly rượu nồng nàn, kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi xuân và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Các cặp nam thanh nữ tú trẩy hội giao duyên. Và cũng là dịp các em nhỏ mở những phong bao lì xì, vui chơi thỏa thích.
Hàng năm, vào dịp sau Tết Nguyên đán, khắp các thôn, buôn trên xã Ea Siên lại nô nức chờ đón những ngày hội rộn ràng của Lễ hội Hảng Pồ. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương rất độc đáo.
Theo phong tục, phần lễ gồm: Lễ cúng cầu mùa, đánh trống khai hội, phát động phong trào thi đua, múa sư tử. Phần hội gồm: Thi văn nghệ, thi ẩm thực (gồm các món ăn đặc trưng như bánh nếp, heo quay, khâu nhục), thi đấu các môn thể thao như kéo co… Ngoài ra, tại lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian dành cho nhân dân và du khách trải nghiệm như: Lảy cỏ, ném còn, hát sli, hát then…
Qua các trò chơi dân gian đã làm tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ về truyền thống tốt đẹp của ông cha; góp phần xây dựng nền văn hóa và phong trào văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao của xã Ea Siên nói riêng và thị xã Buôn Hồ nói chung ngày càng phong phú, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ cúng cầu mùa, cầu bình an cho người dân địa phương
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết, lễ hội Hảng Pồ là nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.
“Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương rất độc đáo. Sau một năm lao động vất vả, lễ hội mang lại những phút giây nghỉ ngơi, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau đầu xuân, cùng chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn; Lễ hội cũng là dịp để đồng bào trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cuộc sống gia đình, được mang những bộ trang phục của dân tộc mình, thưởng thức các món ăn truyền thống… Qua đó, làm tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ về truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại” – ông Cường chia sẻ.
Cũng theo ông Cường, trong không gian tổ chức lễ hội có trưng bày các gian hàng OCOP của địa phương và nhiều sản phẩm thương hiệu của các doanh nghiệp từ nơi khác đến.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư thị xã Buôn Hồ đánh trống khai hội
Trước đó nhiều ngày, dòng người đổ về trung tâm của lễ hội Hảng Pồ để tham dự những cuộc thi, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của người đồng bào các dân tộc phía Bắc nhưng sinh sống từ lâu ở Tây Nguyên.
Ông Nông Văn Tùng (54 tuổi, trú xã Ea Siên), cho biết theo tín ngưỡng dân gian, lễ hội được tổ chức để giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân phía Bắc sinh sống nơi đây. Bên cạnh những tiết mục văn hóa, cũng là dịp người dân cầu mùa, cầu sự bình an cho năm mới. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp cho các đôi nam nữ tình hiểu nhau và có thể kết duyên thành vợ chồng.
Gặp nhau muốn ngỏ lời yêu…
Chiều 7/3 (tức 27 Giêng Âm lịch), chúng tôi đã có mặt ở lễ hội Hảng Pồ và chứng kiến những ngả đường dẫn về cổng lớn của trung tâm ngày hội thấp thoáng những nếp váy thổ cẩm xúng xính của những người phụ nữ Mông, Tày, Nùng…
Tờ mờ sớm, các bàn thịt trâu, ngựa, đặc sản vùng miền đã được người dân địa phương sắp đặt bên dọc đường phục vụ người dân và du khách thưởng thức đặc sản vùng cao…
Khi ánh nắng chếch đỉnh trời, chợ tình rộn rã hơn bởi dòng người mua bán, trao đổi hàng hóa đông đúc, tấp nập…
Hàng nghìn người dân đội nắng để xem các chương trình nghệ thuật
Ông Nông Văn Tùng (54 tuổi, trú xã Ea Siên), cho biết theo tín ngưỡng dân gian, lễ hội được tổ chức để giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân phía Bắc sinh sống nơi đây. Bên cạnh những tiết mục văn hóa, cũng là dịp người dân cầu mùa, cầu sự bình an cho năm mới. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp cho các đôi nam nữ tình hiểu nhau và có thể kết duyên thành vợ chồng.
Các tiết mục văn nghệ của dân tộc Nùng tại lễ hội
Đã có không ít đôi nam nữ tìm được nhau và kết duyên vợ chồng nhờ phiên “chợ tình” này. Tôi may mắn gặp được anh Nông Văn Lâm (trú xã Ea Siên) và vợ là chị Hứa Thị Nở, người địa phương cùng câu chuyện tình cách đây 4 năm của anh Lâm và chị Nở. Anh Lâm nói, lần đầu gặp chị Nở rồi thương nhau từ cái nhìn đầu tiên tại phiên chợ tình. “Đó là một vào buổi chiều 27 Âm lịch, tôi cùng vài thanh niên từ huyện đến tham gia lễ hội. Tôi gặp vợ tôi khi cô ấy đang mua sắm các đồ dùng của người đồng bào địa phương. Sau đó, chúng tôi lại ngồi chung bàn trong một quán ăn ven đường. Từ cái nhìn đầu tiên và các câu chuyện phiếm những ngày sau đó, chúng tôi đã thương yêu nhau lúc nào không hay” – anh Lâm chia sẻ.
Lễ hội Hảng Pồ vừa là nơi hò hẹn, gặp gỡ nhưng cũng là nơi chứng kiến rất nhiều câu chuyện tình tưởng rằng chỉ có trong sách vở. Trai gái gặp nhau ở chợ tình có khi trao cho nhau những tín vật, rồi hẹn năm sau đúng ngày đó gặp lại. Nếu vẫn còn nhớ đến nhau, đôi trai gái sẽ vẫn giữ kỷ vật và tìm đến nhau vào phiên chợ sang năm.
Đó cũng là khoảng thời gian thử thách với tình yêu của cả hai người… Câu chuyện của chị Hoàng Thị Hằng (40 tuổi, ở Gia Lai) cùng chồng gặp nhau tại phiên chợ tình rồi nhờ một tín vật là chiếc khăn tay nhưng vẫn đợi chờ nhau và tìm thấy nhau vẫn được nhiều người nhắc nhớ…
Lễ hội là nơi hò hẹn, gặp gỡ của các cô gái, chàng trai
Tham dự phiên chợ lần này, chị Hằng cùng 16 thành viên khác đã có sự chuẩn bị các tiết mục văn nghệ của dân tộc Nùng để mang đến giao lưu với các dân tộc anh em. Mỗi người mang mỗi cảm xúc khác nhau. Về phía chị Hằng, mỗi lần tham dự lễ hội, chuyện tình đẹp giữa chị với người chồng hiện giờ lại ùa về đầy lưu luyến.
“Hồi đó tôi sống tại Gia Lai. Khi nghe mọi người giới thiệu về chợ tình tại xã Ea Siên, những thiếu nữ như chúng tôi quyết định tham gia văn nghệ biểu diễn trong ngày hội. Tại đó, tôi gặp chồng tôi bây giờ, nhưng hồi đó còn trẻ, ai cũng xấu hổ nên chẳng nói được gì. Trước lúc chia tay, tôi trao vội cho anh chiếc khăn tay rồi lên xe trở về quê hương. Chẳng một lời hẹn ước nhưng tín vật trao tay đã giúp tôi cùng chồng tìm thấy nhau trong một phiên chợ hai năm sau và từ đó nên duyên vợ chồng” – chị Hằng nhớ lại.
Các trò chơi dân gian diễn ra tại lễ hội
Xã Ea Siên có tổng diện tích tự nhiên 3.277 ha, có 8 thôn với 7.600 nhân khẩu. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 87%, với 6 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống hài hòa, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, dân số của xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Ê Đê… Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng đã hình thành nên một nền văn hóa rất đa dạng, phong phú và độc đáo.
Đặc biệt, người đồng bào dân tộc Nùng, Tày từ phía Bắc vào quê hương Ea Siên lập nghiệp, mang theo những nét văn hóa dân gian truyền thống lịch sử của dân tộc mình. Lễ hội Hảng Pồ vào ngày 27 tháng Giêng hàng năm của đông bào là một minh chứng, Lễ hội được mở đầu bằng nghi thức cúng cầu mùa, xin Thần Linh phù hộ cho dân làng làm ăn, mùa màng bội thu, cây cối xanh tươi, phát triển…
Source :
Báo Công Thương