Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk) là hình ảnh hai chú voi to lừng lững cột bên đường đang sẵn sàng đón du khách. Nắng lên cao. Mặt hồ xanh mênh mông. Xa xa, dãy Chư Yang Sin lặng yên in bóng…
Chúng tôi lên thăm hồ Lắk vào một ngày đầu mùa mưa Tây Nguyên. Nhớ hồi sáng khi được nghe lịch trình công tác thấy có mục tham quan hồ Lắk tôi reo lên vì đã từ lâu được nghe về hồ nước ngọt tự nhiên tuyệt vời này. Thêm nữa, cũng đã nghe từ lâu về chuyện những chú voi của người M’Nông cần mẫn cõng du khách trên lưng đưa đi dạo bên hồ, ngắm cánh đồng lúa nước chín vàng, ngắm mây trắng bồng bềnh.
Người dẫn đường cho đoàn chúng tôi là PGS.TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung – giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên. Ngay từ lúc mọi người ổn định trên xe, nữ giảng viên xinh đẹp và giỏi giang này đã tranh thủ cầm mic để giới thiệu cho đoàn.
Chị cho biết: “Chúng ta đang đi trên quốc lộ 14. Xe chạy về hướng nam. Lát nữa xe sẽ rẽ vào quốc lộ 27 để tới huyện Lăk, đây là huyện cuối cùng của tỉnh Đắk Lắk, giáp với tỉnh Lâm Đồng. Chỉ khoảng hơn 50 cây số nữa là chúng ta sẽ tới thị trấn Liên Sơn, huyện lỵ huyện Lắk. Hồ Lắk giáp với các xã như: Yang Tao, Bông Krang và Đắk Liêng nhưng được xếp nằm trên địa bàn thị trấn bởi ở đó là trung tâm của hồ. Ở đó có khu du lịch với các dịch vụ vui chơi giải trí và ăn uống. Đặc biệt có voi cho du khách thuê cưỡi”.
Vắn tắt thế thôi nhưng đã thấy đủ đầy thông tin. Xe chạy êm êm, tôi ngước mắt nhìn trời mà chỉ lo những cơn mưa rào đổ xuống sẽ làm hỏng chuyến thăm hồ, làm lỡ cơ hội được ngồi thuyền mà khỏa tay xuống nước để vốc nước lên rửa mặt. Nghe nói nước hồ Lắk vừa trong vừa mát, lại vừa ngọt vừa lành, chính nguồn nước mênh mông này đã tưới cho những cánh đồng lúa nước mỗi năm hai vụ của bà con M’Nông thêm tốt tươi trù phú. PGS.TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung đã cho biết: “Với hơn 5300ha trồng lúa nước, huyện Lắk được ví như là vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, trong đó phải kể đến những cánh đồng lúa bên hồ Lắk. Dịp này bà con đã bắt đầu thu hoạch lúa chín”.
Chị Tuyết Nhung còn nói thêm rằng, bà con M’Nông ở huyện Lắk giờ đây đã đưa cơ giới vào sản xuất, do đó từ khâu gieo cấy đến khâu thu hoạch đều được thực hiện nhanh gọn và cho hiệu suất cao. Gạo Lắk ăn rất ngon, thơm và dẻo nên được ưa chuộng trong tỉnh. Tôi thầm nghĩ: Ở giữa cao nguyên đất đỏ bazan như thế này mà có được những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay thì thực là quý hiếm.
Hồ Lắk đây rồi, chúng tôi ùa xuống xe để tận hưởng không gian thanh bình đến ngỡ ngàng. Không có cơn mưa rào bất chợt đổ xuống mà chỉ có nắng gió cao nguyên. Trời cao trong xanh. Mặt hồ trong xanh và những niềm hứng khởi mới dạt dào đưa tới. Được biết địa danh huyện Lắk xuất phát từ chính cái tên của hồ nước mênh mông này. Với 10 xã và 1 thị trấn, huyện Lắk vẫn tự hào là một huyện của người M’Nông bởi trong số 102 buôn, thôn của huyện thì có tới 76 buôn của người M’Nông bản địa. Người M’Nông ở huyện Lắk còn tự hào với Căn cứ cách mạng Krông Nô nổi tiếng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Truyền thống hào hùng đó đang tiếp sức cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới hôm nay.
Tôi dõi mắt nhìn theo hút một chiếc thuyền máy chở khách trên mặt hồ. Con thuyền lúc như dâng cao lên màn xanh của bầu trời, khi lại như đang vượt lên dãy núi xa xa. Chị Tuyết Nhung sau khi đợi chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm trở về, chị nở nụ cười như làm dịu đi cái nắng, chị kể rằng: “Theo truyền thuyết nơi đây thuở xa xưa đã xảy ra cuộc chiến giữa thần lửa và thần nước, một cuộc chiến vô cùng tương khắc. Cuối cùng thần lửa đã chiến thắng thần nước nên từ đó khắp vùng này xảy ra nạn hạn hán kéo dài rất nhiều năm khiến cuộc sống của bà con M’Nông vô cùng khốn khó. Nạn đói triền miên, ruộng đồng khô khát, rừng cháy trơ đất đá”.
Kể đến đây nữ PGS.TS Tuyết Nhung nhìn chúng tôi như để dò hỏi hoặc cũng để “kích thích” sự tò mò. Dĩ nhiên là chúng tôi chỉ biết nhìn nhau không hiểu.
Thì ra, cuộc chiến tàn khốc giữa thần nước và thần lửa bắt nguồn từ một cuộc tình tay ba giữa một cô gái M’Nông có nước da trắng ngần và đôi mắt tròn như mắt nai. Thần lửa đã chiến thắng và đã chiếm được cô gái. Và chiến thắng đó đã xảy ra nạn hạn hán, nhưng cũng sinh ra một chàng trai tuấn tú. Chàng trai đó tên là Lắk Liêng hay còn gọi là chàng Lắk. Chàng Lắk lớn lên khỏe mạnh, thông minh và đặc biệt là chàng có tấm lòng bao la, trắc ẩn. Chàng v hiểu được nguyên nhân của nạn hạn hán này nên đã lên đường đi tìm nguồn nước về cứu dân làng. Chàng cứ đi ngược lên dẫy Chư Yang Sin, ở đó núi non hiểm trở cùng bao thú dữ. Chàng Lắk cứ mải miết đi, trong lòng chàng thôi thúc ý chí tìm ra nguồn nước.
Một bữa, chàng Lắk ngồi nghỉ bên một tảng đá chợt chàng trông thấy một con chạch nhỏ đang bị kẹt trong lòng khe suối cạn. Con chạch mắc kẹt chỉ còn cách ở đó chờ chết. Chàng Lắk vội lại gần rồi khum hai lòng bàn tay bứng lấy con chạch. Chàng cứ bứng thế đem con chạch về làng, dĩ nhiên chàng không quên bứng cả bùn để con chạch khỏi chết. Về tới làng việc đầu tiên chàng Lắk làm dùng chân bới một hố đất nhỏ, chàng thả con chạch cùng chút bùn ướt vào đó. Lạ kỳ thay, con chạch sau khi được thả vào hố thì nó quẫy mạnh. Mỗi lần con chạch quẫy mạnh là một lần cái hố rộng và sâu thêm, không biết nước từ đâu cứ tràn vào. Con chạch quẫy liên tục mấy ngày liền cho tới khi cái hố nhỏ ấy trở thành một hồ nước mênh mông.
Nhìn hồ nước chàng Lắk đã reo lên sung sướng. Chàng liền gọi mọi người đến xem. Từ đó người M’Nông đã tới đây định cư, cuộc sống khấm khá dần lên. Để tỏ lòng biết ơn chàng Lắk đã kỳ công đi tìm nguồn nước về cho buôn làng, người M’Nông sau đó đã lấy tên chàng để đặt cho tên hồ nước. Hồ Lắk mang danh từ đấy.
Quả là huyền tích bao giờ cũng có cách đưa ra lời giải thích chính đáng. Đúng là trên cao nguyên đất đỏ này với độ cao trên 500m mà có được một hồ nước ngọt tự nhiên thì quả là trời đất cũng thấu lòng người. Người M’Nông đến bên hồ lập buôn cứ đông dần.
Những buôn của người M’Nông hiện nay vẫn còn giữ được nét truyền thống. Nét truyền thống đó cũng là một điểm để du lịch hồ Lắk ngày thêm mời gọi. Lúc đi vào trung tâm khu du lịch, xe chúng tôi đã chạy qua những buôn như: Buôn M’Liêng, buôn Jun, buôn Lê… đó là những buôn cổ hiện còn giữ được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của người M’Nông. Nét thi vị nữa là những buôn này đều nằm cạnh những cánh đồng lúa quanh năm tươi tốt, cùng vang vọng tiếng chiêng trong những ngôi nhà dài vào những ngày lễ hội và tiếng chân voi bước đi rậm rịch ngoài đường. Tất cả như gợi tới một miền cổ tích vừa huyền thoại lại vừa hiện thực.
PGS.TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung còn cho hay: “Nguồn nước cung cấp cho hồ là sông Krông Ana” rồi chị chỉ tay sang xa tít bên kia hồ: “Bên đó là Buôn Dơng Băk, xã Yang Tao. Ở đó bà con M’Nông vẫn giữ được nghề làm gốm truyền thống”. Tôi sốt ruột hỏi: “Thế đoàn mình có tới thăm buôn đó không?”. “Dĩ nhiên là có rồi – Chị Tuyết Nhung trả lời – Nhưng giờ thì mọi người cứ tận hưởng sự ngọt ngào của hồ Lắk”.
Tầm này ở khu vực trung tâm của Khu du lịch hồ Lắk đã rất đông đúc. Dường như có đủ khách ở khắp mọi miền của đất nước cũng tìm về đây. Đúng là du lịch hồ Lắk có nhiều cái hay. Nào là được đi thuyền máy làm vài vòng lượn trên mặt hồ. Nào là được trèo lên lưng voi để voi tha thẩn dẫn đi vào buôn hay vừa sợ vừa vui khi voi lội xuống ven hồ. Nào là đến giờ trưa kéo nhau vào nhà hàng để thưởng thức nhưng món ăn của người M’Nông.
Chị Tuyết Nhung còn giới thiệu thêm làm chúng tôi cứ ngẩn ngơ tiếc vì hôm nay không được trải nghiệm, chị bảo: “Đến đây mọi người không chỉ tham quan hồ Lắk, mà còn thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn K’lông pút và đàn đá nữa Địa phương xác định du lịch thiên nhiên phải đi liền với du lịch lịch sử – văn hóa”.
Một buổi dạo chơi hồ Lắk qua nhanh. Chúng tôi lên xe mà lòng còn vấn vương với những hò hẹn.