Cuộc sống càng hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống càng có nguy cơ mai một. Đó là một sự thật đáng buồn mà hầu như bất cứ dân tộc thiểu số nào cũng đang phải đối mặt. Song buôn Akô Dhông lại khác. Dẫu nằm giữa thành phố Buôn Ma Thuột, đồng bào ở đây vẫn cố gắng giữ gìn những tinh hoa văn hóa của cha ông để tạo nên “Một cõi Ê Đê” giữa lòng phố thị.
Độc đáo nhà dài
Theo tiếng của người Ê Đê, Akô Dhông có nghĩa là đầu thung lũng, đầu nguồn mạch nước, đầu nguồn suối, là mạch nguồn của cuộc sống, cũng là chốn thiêng, là nơi cực kỳ quan trọng. Buôn còn có nhiều tên gọi khác như buôn Akô Thôn, buôn Cô Thôn, buôn Akô D’hông.
Theo lịch sử của thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), buôn Akô Dhông được thành lập từ năm 1958 với hàng trăm ngôi nhà dài truyền thống. Mỗi khi màn đêm xuống, cả làng cùng nhau tụ họp quây quần bên bếp lửa, vừa đánh cồng chiêng, vừa kể khan và họp bàn những chuyện trọng đại của buôn mình.
Những người dân Ê Đê đầu tiên khi đến với vùng đất bazan này, hẳn đã vì một lý do rất đặc biệt mà cho xây cất những ngôi nhà của dân tộc mình chạy dài có khi đến hàng chục mét. Đây là nơi ở chung, có khi của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình bắt chồng.
Đồng bào đã từng tự hào về ngôi nhà truyền thống của mình bằng một hình ảnh thật đẹp là: “Ngôi nhà dài như tiếng chiêng ngân”. Bởi nếu đánh chiêng ở đầu hồi thì người phía cuối chái chỉ có thể nghe được những thanh âm rất nhỏ cuối hồi chiêng mà thôi.
Nhà dài truyền thống của người Ê Đê ở Akô Dhông, thường được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa và lợp mái tranh. Cột kèo, đà ngang, đòn dông được đẽo hoàn toàn bằng tay và có kết cấu vững chãi, đảm bảo chịu được giông gió.
Phần lớn các ngôi nhà đều dựng theo hướng Bắc – Nam, mái nhô ở hai đầu hồi che cột hiên. Cầu thang thì nằm ở hai đầu hồi tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô và gió Tây Nam vào mùa mưa. Phên dựng ở hai đầu hồi thẳng đứng, còn phên dựng theo chiều dài thì ngã ra hai bên. Từ xa, nhìn buôn Akô Dhông ngày nay có cảm giác như đang được thấy một đội thuyền hùng hậu nằm xen giữa những mướt mát cây xanh và hoa cỏ bốn mùa.
Trong ngôi nhà dài của người Ê Đê thường được chia làm hai phần biệt lập. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah, là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài. Tại Gah thường trưng bày cồng chiêng, trống và dàn ché quý. Nửa sau gọi là Ôk, là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc và phía cuối nhà là nơi đặt bếp lửa… Hai khu nhà đều có cầu thang. Cầu thang Cái đặt ở trước nhà dùng cho khách và đàn ông, con trai. Cầu thang Đực nằm khuất phía sau nhà dùng cho đàn bà, con gái.
Người Ê Đê tin rằng, số chẵn là số của ma quỷ, số lẻ mới là số của người nên cầu thang thường có 7 bậc. Cầu thang Cái được gọi là cầu thang ván làm từ một thân cây lớn, được tạo hình như chiếc thuyền lướt sóng, phía đầu cong lên và được chạm khắc hình vành trăng non và đôi bầu vú.
Bà H’lin, một chủ nhà ở Akô Dhông nói rằng, vành trăng non tượng trưng cho sự chung thủy, đôi bầu vú tượng trưng cho chế độ mẫu hệ. Cầu thang Đực đơn giản hơn thì dùng ván hay cây gỗ đều được cả. Nếu thấy nhà ai đó lật ngược cầu thang Cái thì có nghĩa là gia chủ đang có chuyện buồn phiền và không muốn tiếp khách.
Được biết, ở Akô Dhông từng có những ngôi nhà có chiều dài trên 100m, nhưng ngày nay, chiều dài chỉ phổ biến từ 25-30m. Có sự thay đổi đó là bởi cùng với thời gian, những cây lớn trong rừng cũng không còn nhiều và mẫu kiến trúc nhà dài cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người thợ hiện đại.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhà dài truyền thống của dân tộc Ê Đê là sản phẩm tiêu biểu của tổ chức công xã thị tộc, nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Còn Nghệ nhân ưu tú Ama H’Loan, một “người con ưu tú của Akô Dhông”, với người Ê Đê, nhà dài chính là máu thịt, là trái tim, là điều gần gũi và thiêng liêng nhất. Ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt của cả gia đình, mà còn là không gian văn hóa, nơi tổ chức các nghi lễ cúng của người Ê Đê.
Trước đây, khi người dân trong buôn giàu lên nhờ cây cà phê, nhiều người đã tính phá bỏ những ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại. Thấy vậy, già Ama H’Rin – “Thủ lĩnh tinh thần” của người Ê Đê ở Akô Dhông – khi còn sống đã cùng với chính quyền đề ra hương ước, quy ước quy định các hộ xây nhà mới theo phong cách hiện đại thì xây ở phía sau, nhà dài truyền thống ở phía trước, từ đó trong buôn không còn ai có ý nghĩ xóa bỏ nhà dài.
Giữ gìn văn hóa cổ truyền
Nhà dài được gìn giữ, các giá trị văn hóa khác cũng nhờ thế mà có cơ hội phát huy. Đồng bào giữ được hơn 30 bộ chiêng cổ, 54 khung dệt truyền thống, cùng nhiều loại ché, các bức tượng, đồ chạm khắc tinh xảo của cha ông để lại. Nhà nào cũng biết làm rượu cần, đan lát và làm được các nhạc cụ của dân tộc mình. Nhiều nghi lễ truyền thống như cúng nhà mới, đón khách, mừng được mùa, lễ trưởng thành, kết nghĩa anh em… đã trở thành một nét đẹp riêng có ở Akô Dhông.
Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày Tết, người dân trong buôn lại diện trang phục truyền thống, hòa mình xuống đường phố tạo những bức tranh rất đẹp, độc đáo riêng. Đặc biệt, hiện nay trong buôn có hai đội chiêng, một đội chiêng trẻ và một đội chiêng của các nghệ nhân lớn tuổi, việc tập luyện, giao lưu đã góp phần tạo nên khí thế, vừa góp phần giữ gìn văn hóa cổ truyền.
Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống thay đổi, buôn Akô Dhông cũng có bước chuyển mình. Từ một buôn đồng bào sống lặng lẽ, yên bình trong lòng thành phố, buôn Akô Dhông ngày nay đã biết làm du lịch bằng chính vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ đón tiếp và phục vụ du khách bằng những đêm biểu diễn cồng chiêng, lửa trại, múa, hát, kể khan và uống rượu cần ở những ngôi nhà dài.
Theo ông Y Pun Niê, Trưởng buôn Akô Dhông, hiện buôn có 278 hộ, 1.050 nhân khẩu, trong đó có 63 hộ dân tộc thiểu số với 305 khẩu. Trong buôn không có hộ nghèo và những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ngày càng xuất hiện nhiều. Kinh tế phát triển, bà con càng chú trọng đến đời sống tinh thần và nâng cao ý thức bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Ama H’Loan tự hào bảo: “Đồng bào Ê Đê trong buôn giàu có là nhờ biết thích nghi, nắm bắt xu thế hiện đại và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ở đây, nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào Ê Đê vẫn được giữ gìn nguyên vẹn từ cồng chiêng, ché quý, nhiều phụ nữ còn dệt thổ cẩm, người già còn đan gùi, các nghi lễ vẫn được thực hiện và đặc biệt là vẫn duy trì nếp nhà dài”.
Có một điều may mắn là tuy phát triển về du lịch, dịch vụ, song người dân trong buôn vẫn giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống cùng với lối sống chan hòa, giản dị. Bởi họ phần nào ý thức được, chỉ có làm du lịch bằng chính vốn văn hóa của dân tộc mình mới bền vững, lâu dài.
Chính những quán cà phê, nhà hàng, quầy bán đồ thổ cẩm, đồ lưu niệm cùng những món ăn ẩm thực đậm “chất” Ê Đê; chính những ché rượu cần, tiếng cồng tiếng chiêng, lửa trại được đốt lên bên những ngôi nhà bình dị… mới là “thỏi nam châm” thu hút, mời gọi, níu giữ khách thập phương.
Và cũng chính vì bảo tồn, duy trì được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, Akô Dhông mới vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk công nhận là Buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn của tỉnh vào ngày 3/3/2023 vừa qua.
Trong Chương trình triển khai thực hiện Nghị số 08/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, Akô Dhông cũng là buôn được chọn để thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng.
Có thể khẳng định, việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có mà đồng bào Akô Dhông đã và đang làm là hướng đi bền vững và hiệu quả trước xu thế phát triển du lịch hiện nay. Theo thời gian, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn nhà dài truyền thống, khôi phục làng nghề, lễ hội truyền thống gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa – sinh thái đã dần khiến Akô Dhông nói riêng, Buôn Ma Thuột nói chung trở thành trung tâm kết nối các “vệ tinh” du lịch của tỉnh, cũng như các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước.
Khi đến với Akô Dhông, giờ đây người ta không chỉ được thưởng thức cơm lam, gà nướng, rượu cần, canh cà đắng, đu đủ giã kiến vàng, mà còn được đắm mình trong tiếng cồng, tiếng chiêng “dài tựa những ngôi nhà dài” và nhiều trải nghiệm mang dấu ấn tộc người. Chỉ mong rằng, đồng bào nơi đây sẽ cố gắng gìn giữ được những nét văn hóa vô giá mà cha ông đã truyền lại, để Akô Dhông mãi mãi là “một cõi Ê Đê” giữa lòng phố thị.