Ngôi nhà sàn cổ hơn 130 năm tuổi ở Buôn Đôn (còn gọi Bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với khách du lịch. Ngôi nhà sàn cổ này của ông Y Thu K’nul (1828-1938), người đã khai phá và sáng lập ra Buôn Đôn cùng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.
Theo người trong gia đình, ngôi nhà cổ ở Buôn Đôn của ông Y Thu được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ như gỗ hương, cam xe, cà chít, có 3 gian song song liền kề. Khác với nhà dài truyền thống của người Ê Đê, M’nông trong vùng, ngôi nhà cổ này có tới 3 mái nhọn, mỗi gian có mái riêng.
Các già làng cho biết trong một lần đi săn, ông Y Thu Knul đã săn được một con voi trắng quý hiếm (lông, da voi màu trắng, ngà màu hổ phách). Ông Y Thu Knul đã tặng con voi quý này cho vua Xiêm. Sau đó, vua Xiêm đã ban tặng cho Y Thu Knul nhiều vàng bạc và phong là Khun Yu Nốp – nghĩa là “Vua săn voi”.
Ngôi nhà có mái được lợp bằng ngói gỗ. Để lợp phần mái, những người thợ đã phải công phu đẽo hàng chục nghìn miếng gỗ cà chít làm vật liệu lợp. Phần mái đã tiêu tốn khoảng 10 m3gỗ cà chít. Năm 1954, một cây me cổ thụ cạnh nhà, đổ xuống làm sập gian phía trong. Đến nay, phần mái nhà đã được khôi phục lại nhưng căn nhà không còn bộ mái ngói gỗ nguyên bản.
Theo cháu chắt trong dòng họ kể lại, để xây dựng ngôi nhà này, người chủ đã phải huy động 18 con voi kéo gỗ, 14 thợ lành nghề, giá căn nhà vào thời điểm ấy phải đổi hết 12 con voi có ngà dài. Ngôi nhà này có thiết kế tầng dưới nhà là nơi của gia súc và nhà kho, tầng trên để ở.
Bên trong ngôi nhà, còn lưu giữ nhiều kỷ vật của các “Vua săn voi” như Y Thu Knul – vua voi đầu tiên, tiếp theo là Ama Pợ Pho Khăm Súc và cuối cùng là Y Prung Êban (tên thường gọi là Ama Kông, 1909-2012).
Sợi dây da trâu là dụng cụ chính của thợ săn voi, dùng làm thòng lọng để săn bắt voi rừng, có độ dài từ 90-120 m.
Lọng che nắng, mưa của thợ săn voi
Chiếc mâm đồng là kỷ vật của vua voi Y Thu Knul để lại. Mâm dùng để đặt lễ cúng thần rừng, thần sông mỗi khi xuất phát đi săn bắt voi rừng cũng như làm lễ cúng thủ tục nhập buôn làng cho những voi đã được thuần dưỡng. Chiếc mâm được đưa từ Lào về Việt Nam năm 1859.
Hũ thống kê số lượng voi bắt được trong suốt cuộc đời đi săn của một thợ săn voi.
Mò Mạc Ứ (Nồi Đồng Thau) dùng để nấu thuốc bôi lên những vết thương cho con voi trong quá trình huấn luyện.
Tấm nệm lót làm từ Da Min (trâu rừng) dùng để đặt lên lưng voi.
Hình ảnh “Vua săn voi Ama Kông”.
“Ngôi nhà này đã được dựng hơn 130 năm, nhiều thế hệ sinh sống. Đến nay, ngôi nhà sử dụng 2 gian để tiếp đón khách du lịch tham quan, tìm hiểu về Vua săn voi và mua thuốc Ama Kông để chữa đau lưng. Ngôi nhà chưa có dấu hiệu hư hỏng”, H Linh Knul (26 tuổi, chắt ngoại của Ama Công) cho biết.