Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, trải qua bao biến thiên của thời gian, những chứng tích của quá khứ hào hùng, anh dũng, kiên cường nơi vùng đất Đắk Lắk vẫn luôn được thể hiện rõ nét qua các di tích lịch sử còn được lưu giữ và bảo tồn. Mỗi di tích như mang trong mình bao câu chuyện kể, là nhân chứng kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai…
Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, trải qua bao biến thiên của thời gian, những chứng tích của quá khứ hào hùng, anh dũng, kiên cường nơi vùng đất Đắk Lắk vẫn luôn được thể hiện rõ nét qua các di tích lịch sử còn được lưu giữ và bảo tồn. Mỗi di tích như mang trong mình bao câu chuyện kể, là nhân chứng kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai…
Tọa lạc ngay góc ngã tư sầm uất của trục đường Phan Bội Châu – Điện Biên Phủ (TP. Buôn Ma Thuột), Đình Lạc Giao vẫn mang trong mình nét cổ kính, trang nghiêm và bảo lưu những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người trên cao nguyên Đắk Lắk.
Ngược dòng thời gian để thêm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của Đình Lạc Giao. Vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, ông Phan Hộ (người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và một số thương nhân tìm đường lên Buôn Ma Thuột để buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Êđê.
Qua các chuyến kinh thương, trao đổi hàng hóa, nhận thấy Buôn Ma Thuột là vùng đất màu mỡ, thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đời sống, năm 1928 ông quay về Khánh Hòa rủ thêm gần chục gia đình đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái đình và đặt tên là Lạc Giao với mong muốn an cư lập nghiệp, chung sống chan hòa, vui vẻ.
Thuở ban đầu lập làng chỉ có vài ba chục người miền Trung sinh sống, dần dần những người từ các nơi đến ngày càng đông, chợ cũng xuất hiện, người Kinh, người dân tộc thiểu số bản địa giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Để ghi nhớ, gắn kết tình đoàn kết, ông Phan Hộ, khi ấy là Xã trưởng xã Lạc Giao đã chia đất cho một số đồng bào khai hoang, lập vườn, cất nhà trong phạm vi làng Lạc Giao.
Trải qua bao biến thiên của thời gian, dù phải sửa chữa, trùng tu vài lần do bị bom địch tàn phá và hư hỏng do năm tháng, ngày nay Di tích lịch sử – văn hóa Đình Lạc Giao vẫn nằm yên bình, thanh tĩnh trong lòng thành phố, là biểu tượng sinh động về tình đoàn kết, là điểm đến của đông đảo khách thập phương cũng như mỗi người con của Đắk Lắk đi làm ăn xa khi trở về ghé thăm.
Di tích Quốc gia đặc biệt – Nhà đày Buôn Ma Thuột (tọa lạc tại số 17 Tán Thuật, TP. Buôn Ma Thuột) là nơi ghi dấu tội ác của thực dân, đế quốc trên đất nước Việt Nam và cũng là “trường học cách mạng” của những người cộng sản, nhà yêu nước. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng năm 1931, có diện tích gần 2 ha, gồm nhiều hạng mục công trình.
Nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột giáo dục, cảm hóa thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng như các đồng chí Y Blốk Êban, Y Bih Alê Ô, Ka Nơng Y Bun (Ama Khê), Y Yôn (Minh Sơn)…
Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng thời là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nằm trong quần thể Di tích lịch sử Quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975).
Với những lợi thế độc đáo của mình, buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng mà hứa hẹn trở thành một trong những điểm du lịch lịch sử – sinh thái hấp dẫn.
Đây là nơi tổ chức các cuộc họp triển khai nhiệm vụ, xây dựng hệ thống lãnh đạo, phổ biến, truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách, các nghị quyết của cấp trên và Tỉnh ủy; lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh… Với sự kiện nổi bật là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tổ chức vào tháng 7/1966.
Đại hội xác định nhiệm vụ trung tâm là Đảng bộ, quân, dân toàn tỉnh cùng với quân, dân cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ – ngụy; mở rộng vùng giải phóng, xây dựng vùng căn cứ cách mạng và đẩy mạnh các cuộc tấn công để giành thế chủ động trên chiến trường. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên làm Bí thư Tỉnh ủy, bầu đồng chí Huỳnh Văn Cần làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Tiếp nối bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, chính quyền và nhân dân nơi đây đang ra sức chung tay dựng xây cuộc sống, phát triển kinh tế. Hiện nay, buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào M’nông như nhà sàn, chiêng đồng, các lễ cúng bến nước, lễ cúng thần lúa, lễ cúng mừng thọ…, được phục dựng và duy trì thường xuyên.
Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (Bến phà Sêrêpốk) nằm trên địa phận xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) là một trong những thành phần tiêu biểu của tuyến đường Hồ Chí Minh, là một cửa ngõ huyết mạch của tuyến vận tải chiến lược chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước Lào, Campuchia trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (1972), để phục vụ cho chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, Quân ủy Trung ương quyết định nâng cấp và mở rộng tuyến đường phía tây Trường Sơn, làm mới tuyến đường phía đông Trường Sơn. Trung đoàn 4 công binh thuộc Sư đoàn 470 (Đoàn 559) được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn, tu sửa và mở thêm các ngầm, bến phà vượt sông Sêrêpốk.
Hiện nay, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức xây dựng Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ cạnh Bến phà Sêrêpốk và được Đồn Biên phòng Sêrêpốk bảo vệ, quản lý; đồng thời xây dựng đường bê tông kéo dài từ bến sông lên đến đường Quốc lộ 14C nhằm thuận lợi cho nhân dân địa phương và du khách ghé thăm.
Nội dung: Lan Anh – Huyền Nhung – Hoàng Gia – Hoàng Ân
Hình: PV và CTV
Đồ họa: Đức Văn