Nhiều người trên vùng đất Tây Nguyên hiểu rất rõ về loài voi và luôn dành cho loài động vật có kích thước to lớn này sự yêu thương, trân trọng.
Ông Đàng Năng Long ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) hiện đang sở hữu 6 con voi trong tổng số 36 con voi nhà còn lại ở Tây Nguyên và là một trong những người hiểu nhiều về loài voi nhất.
Ông Đàng Năng Long bộc bạch rằng: “Từ xa xưa, các gia đình nuôi nhiều voi ở Tây Nguyên đều xem voi là ông Tượng. Có việc trọng đại gì là gia chủ và buôn làng phải làm lễ kính báo với “ông Tượng”. “Ông Tượng” đau, người nuôi cũng buồn theo. Những ngày hội, bên bếp lửa bập bùng, voi và người cùng soi chiếu vào mắt nhau biểu thị cảm xúc, thấu tỏ lòng nhau. Chính thế nên, người và voi luôn quấn quýt, khi nài voi (huấn luyện voi) nói gì, ra ký hiệu gì voi cũng vui vẻ làm theo”.
Theo ông Long, trước đây, ai cũng tôn kính và xem voi và khu rừng là những thứ thiêng liêng nhất. Nhưng giờ đây, nhiều người thiếu trân trọng voi, rừng lại mất nhiều, không gian vui chơi cho voi hạn hẹp nên voi ngày càng buồn hơn trước.
Nửa đời người gắn bó với voi, ông Đàng Năng Long đúc rút: “Voi chỉ nổi loạn, trở nên hung hãn nếu môi trường sống không được đảm bảo. Thế nên, tôi luôn cố gắng tạo ra không gian thoải mái nhất cho 6 con voi nhà của mình”.
Chăm voi tựa như chăm con mọn, mỗi lần thấy ánh mắt voi lờ đờ, ông Long hiểu ngay voi mệt, ông sẽ đến cạnh voi để an ủi, dỗ dành.
Ông Long thổ lộ rằng: “Mình phải thương voi trước thì voi mới thương mình. Muốn thương thì phải hiểu, phải quan sát kỹ, nếu voi ốm mà mình không vỗ về, nó sẽ rất buồn và sợ mình. Còn với những chú voi khỏe mạnh phải cho nó đầy đủ thức ăn như mía, cỏ…Một khi đã tạo cho loài voi cảm giác được yêu thương, trân trọng thì nói gì voi cũng nghe”.
Hiểu voi không dễ, dạy voi nghe lời càng khó hơn. Muốn vậy, các nài voi phải có tình yêu tha thiết dành cho voi. Tại địa phương này, hầu hết các nài voi của ông Đàng Năng Long làm việc kiểu cha truyền, con nối. Nhiều gia đình, cuộc đời nối tiếp nhau gắn bó với voi.
Sau nhiều năm dạy voi, huấn luyện voi, ông Đàng Năng Long bắt đầu truyền bí quyết lại cho những người thân của mình. Một trong những người nhanh chóng lĩnh hội kiến thức về voi của ông Long là anh Blong (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk).
Để minh chứng cho sự hiểu biết của mình về voi, anh Blong chỉ về con voi cái tên HBok Khăm và voi đực tên Khăm Sen và bảo rằng: “Đó là một cặp đang yêu nhau đấy. Voi cái Hbok Khăm thì như cô gái hay tựa vòi vào con đực Khăm Sen để nũng nịu. Đó cũng là cách “tỏ tình” của voi”.
Theo anh Plong, voi là một trong những loài động vật khi “yêu nhau” có tình cảm rất thắm thiết. Như voi Khăm Sen và voi Hbok Khăm rất quyến luyến nhau, không thể tách rời. Chỉ cần tách một trong hai con ra xa là chúng kêu và nổi giận. Thế nên, các nài voi phải hiểu rõ điều này, không nên tách voi ra khi chúng đang “yêu nhau”.
Đặc biệt, nếu lúc đi dắt voi về nhà, thấy voi hít vào thở dài ra, vòi lắc qua, lắc lại mạnh thì tức là nó đồng ý cho đưa về, còn nếu thấy tai nó không cử động thì tốt nhất đứng tránh ra, lúc khác mới đến đưa voi về. Nếu không voi sẽ giận.
Cũng được xem là người thông hiểu về loài voi khi có 15 năm gắn bó với công việc huấn luyện voi, ông Y Manh ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) tâm sự: “Bao giờ cũng vậy, khi đưa voi đến điểm cho khách chụp ảnh, tôi đều cho chúng ăn. Khi voi ăn, mình còn phải quan sát xem chúng thích thú với loại thức ăn nào để lần sau còn mua loại đó cho voi. Chăm lo cho voi chu đáo thì chúng rất ngoan ngoãn”.