Với diện tích cây trồng hằng năm hơn 679.000 ha, nông dân Đắk Lắk đã tạo ra nhiều loại nông sản có giá trị như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca… Từ thế mạnh rất lớn này là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn là giải pháp hữu hiệu để quảng bá nông sản của tỉnh.
Với nhiều du khách, khi đã quá quen những điểm đến như: Du lịch cầu treo Buôn Đôn, hồ Lắk, cụm thác Dray Nur – Dray Sáp thượng… thì việc khám phá miền đất nổi tiếng về nhiều loại nông sản chủ lực bằng du lịch nông nghiệp trở nên khá tuyệt vời. Riêng việc đến để hiểu, làm quen với công việc đồng áng, tiếp xúc, nghe nhà nông chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc, làm ra các sản phẩm nông sản sạch, có giá trị là một điều thú vị, không dễ gì tìm thấy ở những điểm du lịch khác.
Cùng gia đình và nhóm bạn vượt hơn 350 km từ TP. Hồ Chí Minh đến xã Ea Na (huyện Krông Ana) để tham quan, trải nghiệm tại Trang trại ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn – điểm du lịch đã được ngành du lịch tỉnh công nhận – khiến chị Phan Thị Tường Vy (ở quận 12) rất thích thú. Chị Vy chia sẻ, đến Đắk Lắk, không gì thú vị hơn là được trực tiếp đến vườn ca cao, tự tay hái quả chín, nếm thử ngay tại vườn. Sau đó là tham quan, xem quy trình sản xuất sôcôla và trải nghiệm làm ra sản phẩm mang về. Tất cả đều lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ, mang đến nhiều cảm xúc mới lạ.
Du khách tìm hiểu cách phân biệt các loại cà phê tại Trang trại Aeroco Coffee (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thuận |
Hiện nay, nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách với du lịch nông nghiệp ngày càng cao. Gắn tiêu thụ nông sản thế mạnh của địa phương với phát triển du lịch để tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp (DN), nông hộ trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều DN, chủ vườn ca cao, bơ, cà phê, sầu riêng ở địa phương đã quan tâm, đón khách đến trải nghiệm để có cơ hội quảng bá về sản phẩm nông sản thế mạnh của mình.
Kiên định với cách làm cà phê hữu cơ chú trọng đến chất lượng, anh Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đã nỗ lực đưa những sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất tiếp cận thị trường theo hướng xanh và sạch. Anh cho hay, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng của đơn vị để nâng cao danh tiếng và bán được nhiều sản phẩm cà phê do mình làm ra. Bởi khi du khách đến tham quan vườn cây, nhà máy, tận mắt thấy và hiểu được quy trình sản xuất, các công đoạn để làm ra hạt cà phê chất lượng, từ đó có thể giúp truyền thông, marketing, quảng bá đến nhiều nơi khác mà họ đến. Mặt khác, sự kết nối giữa nông sản đặc trưng và du lịch nông nghiệp còn là kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm “xuất khẩu nông sản tại chỗ” rất hiệu quả.
Mô hình du lịch nông nghiệp dựa trên thế mạnh các loại nông sản chủ lực của tỉnh đang có triển vọng lớn, được nhiều DN khẳng định là hướng đi phù hợp vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế, vừa giúp nâng cao vị thế nông sản địa phương. Khi du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ thúc đẩy tiêu thụ, “xuất khẩu tại chỗ”, là kênh quảng bá hiệu quả cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản chủ lực đặc trưng của địa phương chính là “hồn cốt” để tạo nên sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Việc coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch nông nghiệp phát triển sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần đưa du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Du khách trải nghiệm và tự tay làm sôcôla khi tham quan Trang trại ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana). |
Tuy nhiên, dù nhiều nỗ lực từ phía nông hộ, DN và cơ quan quản lý nhưng thực tế việc triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhất định, khó khăn lớn nhất là chuyển đổi đất để xây dựng các công trình điểm dừng chân cho khách, khu trưng bày sản phẩm, bãi đậu xe, khu vệ sinh… đáp ứng các yêu cầu của mô hình du lịch phục vụ khách. Việc tiếp đón du khách đến tham quan tại hầu hết các vườn cây ở địa phương chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Vì phần lớn các điểm này đều chưa thể bảo đảm các điều kiện, tiêu chí theo quy định để được công nhận là điểm du lịch.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, để khai thác tốt lợi thế nông nghiệp của địa phương nhằm phát triển du lịch bài bản hơn, Sở đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng các DN, chủ vườn cây đầu tư xây dựng các hạng mục, dịch vụ phục vụ du lịch theo đúng quy định và pháp luật liên quan; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản thế mạnh, chất lượng của địa phương gắn với quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, đồng hành, hỗ trợ DN, nông dân trong đào tạo, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch. Trên cơ sở nhìn nhận thế mạnh sẵn có, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để khảo sát, đề xuất, góp ý xây dựng các mô hình có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Cư M’gar…