Một vùng đất đặc thù văn hóa như Tây Nguyên được nhìn nhận rất thuận tiện để phát triển những loại hình du lịch sự kiện, du lịch lễ hội… Nhưng vì sao cho đến nay, hoạt động du lịch của những địa phương như Đắk Lắk vẫn bị xem là kém hấp dẫn, không “níu giữ” được du khách?
Phải chăng giữa những nhà quản lý văn hóa và xúc tiến du lịch ở đây cần có thêm những khớp nối quan trọng để móc xích lại với nhau, mà nên bắt đầu từ các lễ hội với cộng đồng?
“Điểm nghẽn” tâm thức?
Tại một lễ hội của đồng bào Êđê, chúng tôi từng gặp một nhà nghiên cứu văn hóa không hài lòng khi thấy ban tổ chức tạo dải ngăn cách giữa du khách đến xem và các thành viên diễn tấu nhảy múa. “Họ không hiểu gì tập tục của đồng bào cả, khi người ta mời khách đến nhà là muốn họ hòa vào không khí cuộc sống, cùng họ mừng lễ, chào đón tổ tiên, trở thành như là thành viên gia đình, chứ không phải đứng xem”, nhà nghiên cứu này lý giải.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, hầu hết các ban tổ chức những sự kiện lễ hội có đón du khách là nhìn nhận du khách ở vai trò khách thể, những người không hiểu biết về lễ nghi tập tục đó. Cho nên các hoạt động luôn được diễn ra gượng ép, không tạo không khí tự nhiên, hấp dẫn du khách. Có lễ hội còn sân khấu hóa hoạt động diễn xướng, đến mức chính những thành viên tham gia cũng tự bị thấy gượng ép, biểu diễn gượng gạo dưới ánh đèn sân khấu rình rang.
Du khách hứng thú trải nghiệm công đoạn chế biến rượu cần truyền thống của người Êđê. Ảnh: Hữu Hùng |
Trong khi đó, nét hấp dẫn của các lễ hội cộng đồng là đánh thức không gian tâm linh, khơi gợi sự hòa nhập giữa những người có mặt cùng thực hiện một nghi lễ. Những thầy cúng, già làng chủ trì việc cầu cúng, làm nghi thức hoàn toàn xuất phát từ tâm nguyện mong cầu sự chứng giám của tổ tiên, thần giàng… Do đó, không thể vì một kịch bản hay kế hoạch tổ chức nào đó mà hoạt động nghi lễ bị hạn chế khi có người khác tham dự.
Chính quan niệm cho rằng du khách chỉ đến xem đã gây những “điểm nghẽn” tâm thức, khiến các hoạt động bị “sống sượng” và du khách cảm nhận không thật, mất hứng thú, từ đó không thấy hấp dẫn với các lễ hội. “Thực tế nhiều du khách khi đến lễ hội đã tìm hiểu rất kỹ, nên khi đến chỉ xem, thay vì bước vào hòa nhập là đã làm cho họ mất đi sự hào hứng”, nhà nghiên cứu chia sẻ.
Ba yêu cầu “thực tế hóa”
Theo nhà nghiên cứu và các nhà tư vấn, để tháo gỡ những “điểm nghẽn” kết nối du lịch và văn hóa, làm tăng chất lượng thu hút du khách đến với du lịch lễ hội Đắk Lắk, cần xem xét ngay ba yêu cầu khi tổ chức hoạt động du lịch lễ hội.
Thứ nhất, phải đặt rõ mối quan hệ hợp tác tìm hiểu giữa du lịch và bảo toàn các giá trị văn hóa vốn có. Theo các nhà tư vấn, du lịch lễ hội nhằm giới thiệu hoạt động, sự kiện tập tục nào đó với du khách phải nên để lễ hội đó diễn ra tự nhiên nhất, đừng can thiệp, đừng biến tấu lễ hội thành kịch bản tổ chức. Chủ thể lễ hội chính là người dân sở tại, hãy để họ tự nhiên tổ chức, du khách được trải nghiệm chân thực. Tìm hiểu văn hóa du lịch qua lễ hội như vậy mới đem lại được giá trị kiến thức cho du khách và làm tăng giá trị tương tác du lịch, thu hút du khách.
Thứ hai, cần nhìn nhận các hoạt động văn hóa lễ hội là chính các hoạt động bản thể, đi từ cơ sở tâm lý, nhận thức, tập tục… để tái hiện, tổ chức, tôn trọng bản sắc, chi tiết văn hóa truyền thống trong cộng đồng cư dân, chứ không nên xem là những hoạt động bề nổi, làm sự kiện theo phong trào, tổ chức cuộc thi hay chương trình sân khấu hóa nào đó. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk từng gạt bỏ một “kịch bản lễ hội” vì ở đó các đội biểu diễn văn hóa lễ hội được hóa trang sân khấu, tham gia thi thố bình chọn giải này giải kia. “Không được làm như vậy, sẽ không có lễ hội nào xếp hạng nhất, tiết mục nào đứng thứ hai cả. Mọi lễ hội đều trân trọng như nhau, mọi nghi thức đều có giá trị văn hóa thì hoạt động lễ hội văn hóa mới có được chất lượng thực sự với du khách và với chính người dân”, ông Hà nhấn mạnh.
Cuối cùng, hãy nên kết nối du khách vào trong các lễ hội truyền thống, với vị thế là những người tham gia, cùng thấu hiểu, hòa lẫn vào hoạt động cư dân, chứ không phải là những khán giả “cưỡi ngựa xem hoa”. Đây được xem là mấu chốt hoạt động du lịch lễ hội, giúp cho việc đưa du khách vào trong các lễ hội thành công. Sự thật mỗi du khách đến với các lễ hội bản địa, họ cần cảm nhận được thực tiễn không gian, tuần tự sự kiện để có cảm xúc thật, đánh thức được cảm giác hào hứng, say mê, nhận ra điều mới lạ, hấp dẫn. Có như vậy, du khách mới hiểu được lễ hội và cảm thấu được giá trị cho mình, từ đó thích thú và sẵn sàng quay lại. Cảm thụ riêng được mỗi lễ hội cũng là cách để du khách nhận ra sự tinh tế, độc đáo của mỗi sự kiện, mỗi lễ hội, thay vì chỉ có cảm giác nhàm chán lặp đi lặp lại khi tham dự những lễ hội có mô típ giống nhau, kịch bản tổ chức na ná nhau đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành.
Theo ông Thái Hồng Hà, quyết định “đi du lịch” của du khách luôn gắn liền với lý do nào đó, liên quan những sự kiện, vấn đề tại điểm đến. Đây là lý do để hoạt động lễ hội tại các địa phương ngày một phổ biến, ngày càng thu hút chi tiêu xã hội. Vì thế, để du lịch Tây Nguyên sống động, hấp dẫn du khách, yêu cầu “thực tế hóa” hoạt động lễ hội càng cần được chú ý. Phải giúp du khách cảm nhận được sự khác biệt giữa những lễ hội khác nhau, du lịch Đắk Lắk mới có cơ hội để chứng minh được tính hấp dẫn của mình và phát triển.