Nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng, quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột lần thứ 8 năm 2023, với tinh thần tích cực, khẩn trương, chu đáo, các địa phương đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng hòa nhịp trong ngày hội lớn…
Lắk chào đón du khách về trẩy hội
Là một trong những địa phương được lựa chọn làm điểm đến của chương trình “Hành trình du lịch” nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, huyện Lắk đang tất bật chuẩn bị, sẵn sàng đón du khách về trẩy hội.
Hội đua thuyền độc mộc lần thứ ba diễn ra từ ngày 10 đến 12/3 tại thị trấn Liên Sơn (Lắk) được xem là chương trình tâm điểm của địa phương trong hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Để phục vụ giải đua thuyền lần này, UBND huyện đã tiến hành tu sửa 19 thuyền độc mộc và làm mới 70 dầm chèo. Ngoài ra sẽ có 4 hoạt động khác phụ trợ cho lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào M’nông tại địa phương là phục dựng nghi lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, cúng hạ thủy thuyền và đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng với đoàn nghệ thuật tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc).
Huyện Lắk đã tiến hành tổng duyệt sẵn sàng cho Hội đua thuyền độc mộc lần thứ ba. |
Song song với Hội đua thuyền độc mộc, UBND huyện đã triển khai thêm hoạt động hội trại và trưng bày các gian hàng truyền thống. Hội trại sẽ diễn ra tại Quảng trường hoa viên thị trấn Liên Sơn từ ngày 10 – 12/3, quy mô gồm 16 trại đến từ 11 xã, thị trấn, đoàn thể và doanh nghiệp. Cùng với đó là 18 gian hàng chủ yếu trưng bày các sản phẩm là “sản vật” của địa phương nhằm tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá đến du khách cũng như tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
UBND huyện cũng đã tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị của các địa điểm du lịch, lữ hành, dịch vụ về cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… với mục đích tạo điều kiện cho những đơn vị tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến khách du lịch. Việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, môi trường nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến tham quan các địa điểm du lịch. Từ đó, tạo cơ hội quảng bá những lợi thế về du lịch, đặc biệt như hồ Lắk cùng những tiềm năng, thế mạnh chưa khai thác hết đến với các nhà đầu tư.
Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, đến thời điểm hiện tại, các khâu chuẩn bị cho lễ hội đang được gấp rút hoàn thành, hứa hẹn sẽ mang đến ngày hội trang trọng, vui tươi. Thông qua dịp lễ hội này, địa phương sẽ xây dựng hình ảnh về một huyện Lắk năng động, thân thiện, mến khách, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để quảng bá du lịch. Đồng thời, sẽ nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng; từng bước đưa du lịch huyện Lắk trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để người dân bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em.
Ea Kar với nhiều điểm nhấn ấn tượng
Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II năm 2023 là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng, quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột lần này. Xác định việc tổ chức Ngày hội có ý nghĩa lớn nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện, quảng bá những sản phẩm đặc trưng đến với du khách, tạo tiền đề phát triển du lịch địa phương, huyện Ea Kar đã tích cực chuẩn bị để tổ chức nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn.
Các câu lạc bộ tập luyện chuẩn bị biểu diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II năm 2023. |
“Đến thời điểm này, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II đã sẵn sàng hòa nhịp cùng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, bảo đảm sẽ hấp dẫn, bổ ích và thực sự là điểm đến, nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc”. Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà khẳng định
|
Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II diễn ra từ ngày 11 đến 13/3/2023 tại hai địa điểm gồm: thôn 3 (xã Cư Prông) và hồ Ea Kar (thị trấn Ea Kar). Người dân, du khách sẽ được thưởng thức và hòa mình vào các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: đêm lửa trại, lễ cúng sức khỏe của đồng bào Êđê, tham quan, mua sắm các sản vật nông nghiệp địa phương, xem biểu diễn hát then, hát si, hát quan họ, múa sạp, diễn tấu cồng chiêng, cổ vũ cho các môn thể thao truyền thống, đua thuyền, các trò chơi dân gian. Du khách còn được lưu trú, trải nghiệm văn hóa tại các hộ có nhà sàn truyền thống của người dân tộc thiểu số, khám phá những phong cảnh đẹp của huyện Ea Kar như: thác Dray Kpơ, Dray Ebar, hồ Ea Kar, Ea Dê, đồi Cư Cúc, đập Ea Grap…
Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Prông Bùi Sơn Tùng, thành viên Ban tổ chức ngày hội cho biết: “Để tạo điểm nhấn cho ngày hội, bên cạnh sự đầu tư cơ sở vật chất của huyện, xã Cư Prông đã huy động các doanh nghiệp, người dân thực hiện các công trình cảnh quan như: trồng cây xanh và một vườn đào tại khuôn viên tổ chức ngày hội, dựng 32 cây nêu có đèn trang trí dọc các tuyến đường, huy động 15 hộ có nhà sàn truyền thống tham gia hoạt động lưu trú trải nghiệm…”.
Hướng về ngày hội lớn, thầy và trò Trường THPT Ngô Gia Tự (thị trấn Ea Kar) đã cùng với 4 trường THPT trên địa bàn tích cực chuẩn bị tham gia các hoạt động. Giáo viên và Đoàn Thanh niên các trường đã phối hợp thiết kế, dựng trại, chọn và cử học sinh tham gia thi trang phục dân tộc, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong lễ khai mạc, bế mạc và thi tại ngày hội; thành lập các đội đua thuyền, tổ chức tập luyện để thi đấu…