Tháng ba, giữa cái nắng đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, con đường dẫn vào buôn Ako Dhông, ngay trung tâm phố thị Buôn Ma Thuột, vẫn xanh mát bóng cây. Không chỉ có quy hoạch kiến trúc đẹp với những ngôi nhà dài truyền thống tiếp nối nhau qua những vườn cây, buôn Ako Dhông còn được xem là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp và bản sắc văn hóa của người Êđê. Chị H Tít Alio, Bí thư đoàn thanh niên buôn Ako Dhông cho biết, những năm gần đây, nhiều gia đình trong buôn đã nhạy bén phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, dịch vụ, tạo nguồn thu nhập. May mắn cho chúng tôi là được sống trong một buôn muốn gìn giữ văn hóa của mình. Mỗi gia đình trong buôn chúng tôi đều giữ được cái nhà sàn, rượu cần, kpan, trang phục. Cái giá trị văn hóa đấy rất quan trọng, bản thân phải yêu thích văn hóa thì mới gìn giữ được.
Không chỉ riêng buôn Ako Dhông, nhiều buôn làng khác ở thành phố Buôn Ma Thuột, người dân đã chủ động phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Như ở các buôn Păn Lăm, Tơng Jú, Kmrơng Prong A, nhiều gia đình phát huy nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, ủ rượu cần để tạo việc làm tăng thêm thu nhập. Bà H Yam Bkrông, buôn trưởng buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột), Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông cho biết, nhờ đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm thổ cẩm gắn với phát triển du lịch và mở rộng thị trường tiêu thụ, lợi nhuận của hợp tác xã tăng hơn trước. Trong năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của HTX vẫn đạt được 1,2 tỷ đồng.
Hiện bà H Yam đang hoàn thiện một khu nhà dài làm homestay với đầy đủ vật dụng truyền thống của người Êđê như một bảo tàng thu nhỏ để phục vụ khách du lịch. Theo chia sẻ của bà H Yam, từ khi hợp tác xã dần dần phát triển, đã cải tiến nhiều mẫu mã sản phẩm phù hợp với lứa tuổi, cho nên không chỉ người lớn tuổi trong buôn làng thích mà đối với thanh niên họ cũng thích trang phục thổ cẩm của đồng bào Ê Đê. Hiện, sản phẩm đa dạng hơn trước, đầu ra cũng tốt hơn. Cho nên hiện nay là không chỉ sản xuất những mặt hàng như trước nữa mà là phải đa dạng để hòa đồng, để mọi người tận dụng được cái mặt hàng thổ cẩm.
Theo ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, sau hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk; thực hiện Kết luận số 60 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng đạt mức bình quân 9,38%/năm, thu nhập bình quân đầu người 78 triệu đồng, cao gấp 1,3 lần bình quân chung cả nước. Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt như đường vành đai phía tây thành phố Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp Bệnh biện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Ông Vũ Văn Hưng cho biết thêm, đầu tư về hạ tầng đô thị và các khu đô thị đã được các nhà đầu tư quan tâm và cũng đã mang đến những hiệu quả rất quan trọng. Nó tạo ra những khu đô thị mới, và hệ thống giao thông kết nối mới từ những hình thức đầu tư. Từ các khu đô thị đó sẽ tạo ra cho người dân sống ở những môi trường và các điều kiện tốt hơn và tạo ra những sự chuyển biến trong quá trình xây dựng đô thị của chính quyền.
Tiếp nối đà phát triển, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị nêu rõ: Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia; phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên.
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, đồng thời khai thông các điểm nghẽn về giao thông và các thủ tục hành chính; đề xuất các cơ chế đặc thù để thành phố Buôn Ma Thuột phát triển đúng theo nội dung Kết luận 67 là đô thị xanh, thông minh, sinh thái và mang bản sắc đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
“Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua việc giữ gìn các kiến trúc và thậm chí quy định các kiến trúc của Buôn Ma Thuột để sao cho đến Buôn Ma Thuột kiến trúc khác, không giống như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị ở dưới miền xuôi. Tới đây, chúng tôi sẽ thúc đẩy tại thành phố Buôn Ma Thuột có những khu biểu diễn về văn hóa, về phong tục tập quán, truyền thống như là lễ hội cồng chiêng, trường ca Đam San… và du khách tới sẽ thấy có những cái đặc trưng rất riêng mà chỉ có lên Tây Nguyên mới cảm nhận được mới thấy được”- Bí thư Cường chia sẻ thêm.
46 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ một thị xã hoang sơ, Buôn Ma Thuột đã vươn mình đổi thay mạnh mẽ. Với những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa, sự quan tâm hỗ trợ từ trung ương, sự đồng lòng quyết tâm của chính quyền và nhân dân các dân tộc, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục phát triển, để xứng tầm là một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên./.