Tọa lạc trên khu đất rộng 200 ha, khu đền Angkor Wat có 5 tháp: Tháp chính cao 65m, 4 tháp phụ cao 40m. Đền gồm 3 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại, mô phỏng hình ảnh “núi vũ trụ Mêru” của người Ấn Độ. Toàn bộ ngôi đền được làm từ các tảng đá xếp chồng lên nhau và hoàn toàn không sử dụng vật liệu kết nối như: vữa hoặc xi măng.
Chị Mai Vũ – một du khách Trung Quốc đã không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước sức mạnh phi thường và bàn tay khéo léo, tài hoa của người Khmer cổ đại. “Đền Angkor là một thành tựu kiến trúc huy hoàng của đế chế Khmer, nó thể hiện một trình độ phát triển vượt bậc về kiến trúc. Thời bấy giờ, kỹ thuật phong cách kiến trúc trên thế giới còn hết sức giới hạn thì việc sử dụng đá có tính chất như sử dụng gỗ, những kết cấu có hình bán nguyệt và nóc vòm của người Khmer, là những kỹ thuật mà ta chưa biết – những hiệu quả toàn diện của nó làm cho mọi người phải ngạc nhiên”.
Trong đền chính có 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can. Khi bước vào trong những gian phòng lớn, ta sẽ thật sự bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng và tinh tế của ngôi đền. Các họa tiết trang trí trên đá như: Tượng Phật, vũ nữ, chiến binh và những hình hoa sen minh họa đều rất sống động, mềm mại. Đó là những cảm nhận của chị Thu Trang, một du khách Việt Nam khi tới thăm đền Angkor Wat. “Tôi rất ấn tượng về các họa tiết hoa văn trên các bức tường đá, cũng như các bức tượng bằng đá ở đền Anhkor Wat. Đặc biệt là các nàng Apsara. Trong hàng ngàn Apsara được khắc trên tường thì mỗi một nàng Apsara đều có một sắc mặt và hình thể khác nhau và rất sống động”.
Theo những người dân nơi đây, Angkor Wat từng là Kinh đô của Đế quốc Khmer, nhưng do chiến tranh và dịch bệnh hoành hành, khiến các vua chúa Khmer phải dời đô về PhnomPenh và sau đó tất cả nơi đây đã dần bị rừng già che phủ và chìm vào quên lãng trong nhiều thế kỷ.
Đến năm 1860, Henri Mouhot – một nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy ngôi đền Angkor Wat này. Với những giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, đền Angkor Wat đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Và với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, chính phủ Campuchia đã cho tiến hành phục chế, tu bổ khu di tích và hàng năm quần thể này thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Chia sẻ về số lượng du khách quốc tế trong thời gian gần đây, anh Hong Polin, hướng dẫn viên du lịch khu quần thể Angkor cho biết: “Trong khoảng thời gian COVID-19, số lượng du khách tới đây sụt giảm rất lớn và có thể nói là về số 0. Sau khi COVID được khống chế thì du khách bắt đầu quay trở lại Angkor Wat với số lượng mỗi ngày một tăng. Đặc biệt là tháng 10 và đầu tháng 11 này, tôi thấy rằng số lượng du khách quốc tế quay trở lại Campuchia rất đông”.
Angkor Wat là ngôi đền duy nhất ở Campuchia có lối vào chính ở hướng tây, hướng Mặt Trời lặn. Vì thế, du khách thường đổ về nơi đây vào buổi bình minh hay chiều tà, khi mà ánh nắng vàng rực rỡ soi rọi cả khu đền. Nhìn từ xa toàn bộ khu đền Angkor Wat hùng vĩ như đang khoác lên mình chiếc áo Long bào rực rỡ.
Sau một ngày thăm quan, du khách có thể thư giãn và nghỉ ở lại một góc nào đó trong hành lang của Angkor Wat để chìm trong không gian huyền bí, thả hồn theo giàn nhạc ngũ âm hay điệu múa Apsara. Và du khách cũng có thể cưỡi voi đủng đỉnh dạo quanh vòng thành cổ, thưởng thức các món ăn nổi tiếng của người Campuchia.