Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Thái Lan, ngày 10/5 đã dành chuyên mục “Tiêu điểm châu Á” để nói về những nỗ lực của ngành du lịch của Việt Nam trước những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong bài báo có tựa đề “Việt Nam làm mới ngành du lịch,” tác giả Pattama Kuentak mô tả là quốc gia giàu lịch sử, có nền văn hóa, ẩm thực đa dạng và những danh lam thắng cảnh nổi bật trải dài trên khắp cả nước, qua đó giúp Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến được yêu thích ở Đông Nam Á.
Theo bài viết, trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, năm 2019, Việt Nam đã đón lượng khách nước ngoài kỷ lục, với 18 triệu lượt người và tạo ra tổng doanh thu 32,8 tỷ USD từ cả du khách nội địa, lẫn khách quốc tế.
Bài viết trích dẫn số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho thấy ngành du lịch có đóng góp quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 18,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019. Trong đó, mặc dù khách du lịch quốc tế chỉ chiếm 17% tổng lượng khách du lịch ở Việt Nam trong năm 2019, nhưng chi tiêu của họ (trung bình là 673 USD mỗi người mỗi chuyến đi, so với 61 USD của khách du lịch nội địa) chiếm hơn 50% tổng doanh thu của ngành này.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, nhiều hoạt động du lịch ở Việt Nam đã phải tạm dừng vào tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện và Chính phủ Việt Nam đã buộc phải đóng cửa biên giới và cấm các chuyến bay quốc tế.
Những phản ứng nhanh chóng và mang tính quyết định đó đã phát huy hiệu quả, khi Việt Nam đến nay chỉ ghi nhận 35 trường hợp tử vong trong hơn 3.000 ca nhiễm COVID-19, đồng thời nền kinh tế cho thấy những dấu hiệu hứa hẹn nhất trong khu vực.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% vào năm 2020, trở thành một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng kỷ lục.
Tổng cục Thống kê (GSO) của Việt Nam gần đây cho biết GDP trong quý 1/2021 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo GSO, các ngành sản xuất, nông nghiệp và bán lẻ, cũng như xuất nhập khẩu, đều có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, một lĩnh vực then chốt vẫn đang phải gánh chịu tổn thất gây ra bởi đại dịch toàn cầu kéo dài, đó là du lịch quốc tế.
Theo số liệu của GSO, doanh thu từ du lịch trong quý 1/2021 giảm 60,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng khách quốc tế giảm 78,7% và lượng khách thông qua các công ty du lịch giảm 80,1% xuống còn 3,7 triệu lượt.
Sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã tác động mạnh đến các ngành dịch vụ lưu trú, thực phẩm và giải khát, khiến doanh thu giảm 43,2%.
The báo cáo gần đây của McKinsey and Company có tựa đề “Làm mới ngành du lịch: Cách Việt Nam có thể đẩy nhanh phục hồi du lịch,” phần lớn khách du lịch quốc tế tại Việt Nam đến từ các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) và chiếm khoảng 80% chi tiêu du lịch nước ngoài.
Báo cáo gợi ý rằng với các phương pháp tiếp cận mạnh mẽ đối với dịch COVID-19, sự linh hoạt của các địa phương, cũng như các chiến dịch du lịch chủ động từ chính phủ, ngành này sẽ có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng vào năm 2024. Theo đó, các nhà khai thác cần đưa ra các gói sản phẩm, số hóa phần lớn chuỗi giá trị và đầu tư tính bền vững./.