Theo tin từ Visa, công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, cơ quan này vừa công bố nghiên cứu Green Shoots Radar mới nhất – báo cáo hàng quý tập trung đánh giá tâm lý tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch và nhiều chủ đề khác.
Dữ liệu từ báo cáo ghi nhận, trong 12 tháng vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ hai khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tỷ lệ 41% về tần suất tham dự hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước, chỉ sau Ấn Độ là 45%.
Đáng chú ý là có tới 40% người tiêu dùng Việt đi du lịch nước ngoài với mục đích tham dự các buổi biểu diễn; đặc biệt, là tới Thái Lan và Hàn Quốc.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết, sự trở lại của làn sóng du lịch và các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp báo hiệu xu hướng vô cùng khả quan. Trong suốt hành trình du lịch xuyên biên giới đó, việc thanh toán qua thẻ đóng vai trò quan trọng hàng đầu để có thể cung cấp trải nghiệm mua vé an toàn và bảo mật thông qua hình thức thanh toán không tiếp xúc.
Người tiêu dùng cũng có thể chi trả cho các vật phẩm sự kiện, chuẩn bị kế hoạch đi lại và mua sắm một cách liền mạch bằng thẻ ngân hàng. Mục tiêu của Visa là nâng cao trải nghiệm cho tất cả mọi người nên Visa mong muốn duy trì những ấn tượng trong đời sống người tiêu dùng và đồng hành cùng họ qua các giai đoạn, sự kiện khác nhau bằng những sản phẩm và giải pháp phù hợp.
Nghiên cứu của Visa cũng cho thấy có 3 xu hướng du lịch nổi bật trong năm 2024. Theo đó, đầu tiên là nhu cầu du lịch trong và ngoài nước để tham dự trực tiếp các buổi biểu diễn âm nhạc sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024. Giai đoạn hậu đại dịch đánh dấu làn sóng quay trở lại của các chương trình biểu diễn trực tiếp, kéo theo lượng khách du lịch kết hợp tham dự sự kiện gia tăng nhanh chóng.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững trong năm 2024 với tour diễn quốc tế của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Coldplay hay Taylor Swift. Các buổi trình diễn âm nhạc trực tiếp này được ghi nhận sẽ trở thành loại hình sự kiện phổ biến nhất, theo sau đó là chương trình ca nhạc, kịch nghệ và sự kiện thể thao.
Song song đó, xu hướng thứ hai là người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được tâm lý tích cực. Vì cứ 10 người tiêu dùng ở châu Á – Thái Bình Dương thì có 4 người tin rằng tình hình kinh tế trong nước sẽ cải thiện trong năm tới đây. Theo đó, 75% người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục duy trì tâm thế lạc quan với triển vọng kinh tế trong nước, cao hơn đáng kể so với người tiêu dùng tại Indonesia là 64% và Philippines là 50%.
Do đó, việc mua ô tô mới được xem như cột mốc trong chi tiêu cá nhân đang ngày càng quen thuộc ở hầu hết các thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhu cầu phổ biến này hiện được ghi nhận ở 16% người tiêu dùng Việt tham gia khảo sát. Đặc biệt, báo cáo cũng cho thấy ý định chi tiêu nhiều hơn trong năm 2024 tại khu vực, với một nửa số người dùng là 50% châu Á – Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu nhiều hơn và người tiêu dùng Việt Nam xếp hạng cao hơn là 55% so với trung bình khu vực.
Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ tăng cường tiết kiệm cá nhân. Mặc dù có ý định chi tiêu nhiều hơn, phần lớn người tiêu dùng chia sẻ nguyện vọng sẽ trích khoản ngân sách lớn hơn cho mục đích tiết kiệm. Với các khoản tiết kiệm chiếm từ 10 – 29% thu nhập cá nhân hàng tháng, tại Việt Nam, 43% người dùng được hỏi kỳ vọng sẽ để dành nhiều khoản tích luỹ cá nhân hơn – tỉ lệ này cao hơn mức trung bình trong khu vực 36%./.