Việc triển khai công cụ Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 (EUDCC) sẽ giúp người dân EU tự do di chuyển để làm việc và du lịch, không gặp phải bất kỳ sự cản trở nào của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc triển khai Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 trong nội khối diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về sự bùng phát và lây lan của biến chủng Delta có thể làm các quốc gia lập lại “hàng rào” biên giới. Đồng thời, các quốc gia EU hiện vẫn còn khác biệt về chính sách áp dụng EUDCC khiến ngành công nghiệp hàng không đã phải cảnh báo các quốc gia cần phối hợp nhịp nhàng nếu không muốn chứng kiến cảnh hỗn loạn tại các sân bay trong mùa hè này.
Công cụ hy vọng
Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 gồm mã QR thể hiện dưới dạng thẻ cứng và ứng dụng trên điện thoại bao gồm các thông tin về chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 (sử dụng các loại vaccine được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, như vaccine của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson&Johnson), kết quả mới nhất xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc Covid-19. Công dân EU được cấp ứng dụng này nếu họ đáp ứng được ít nhất một trong ba yếu tố trên. Kết quả xét nghiệm PCR và xét nghiệm kháng thể đều được công nhận.
Các nước EU cũng có thể (mặc dù điều này không bắt buộc) thừa nhận những người được tiêm các loại vaccine được chấp nhận tại một số nước châu Âu, như vaccine Sputnik V của Nga ở Hungary, hoặc với các sản phẩm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận, chẳng hạn như vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
EUDCC được cấp miễn phí và được tất cả 27 quốc gia thành viên EU và các nước Thụy Sĩ, Liechtenstein, Iceland và Na Uy công nhận. Dự kiến việc thực hiện EUDCC theo lộ trình dần dần với thời gian gia hạn đến ngày 12/8 với những quốc gia chưa thể bắt đầu vào ngày 1/7. Trong thời gian này, các quốc gia khác phải chấp nhận các chứng chỉ chứa dữ liệu cần thiết ở mức độ khu vực EU.
Hiện EU đang đàm phán với một số quốc gia như Anh và Mỹ để công nhận lẫn nhau chứng chỉ này và triển khai các văn bản liên quan tới Covid-19.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), tất cả các quốc gia thành viên EU trong ngày hôm nay sẽ phát hành và chấp nhận chứng chỉ này, trừ Ireland có thể áp dụng sau do bị tấn công mạng.
Cho đến tối 30-6, có 21 quốc gia EU đã kết nối với hệ thống triển khai EUDCC và sáu quốc gia còn lại đã hoàn tất về mặt kỹ thuật. Trước đó trong tháng 6, nhiều nước đã bắt đầu sử dụng loại chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 này.
Là một trong những quốc gia châu Âu mở cửa sớm nhất, từ đầu tháng 6, các khách sạn tại đảo Samos, Hy Lạp đã hoạt động khoảng 20-25% công suất trung bình. Các khách sạn ở đảo này lạc quan công suất phòng sẽ tăng với thêm nhiều đơn đặt phòng vào phút chót hơn bình thường được dự kiến vào tháng 8. Ông Manos Vallis, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Samos cho biết, năm nay công suất phòng có thể chung quanh mức 65%.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hồi tháng 5 nhấn mạnh rằng, EUDCC cùng với việc nới lỏng các hạn chế đi lại sẽ giúp cho nước này có một mùa du lịch tốt đẹp hơn năm 2020. Tây Ban Nha kỳ vọng, đến cuối năm nay, lượng du khách sẽ đạt mức 60-70% so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Khả năng phối hợp và biến thể Delta
EUDCC nhằm mục đích loại bỏ yêu cầu xét nghiệm bổ sung hoặc cách ly khi người dân EU đi lại trong khối. Tuy nhiên, một quốc gia thành viên vẫn có thể đưa ra các hạn chế nếu tình hình dịch Covid-19 của quốc gia hoặc khu vực mà khách du lịch đến đang xấu đi.
Trong trường hợp này, quốc gia đến phải thông báo cho EC và các quốc gia EU khác 48 giờ trước khi các quy định hạn chế có hiệu lực. Thông tin cập nhật về các điều kiện nhập cảnh do từng quốc gia đặt ra có sẵn trên trang web “EU mở cửa trở lại”.
Chính vì cơ chế mở trong việc thực hiện EUDCC, đầu tuần này, ngành hàng không của châu Âu đã cảnh báo rằng các kế hoạch của EU về EUDCC vẫn còn “mong manh”.
Nhiều tổ chức đại diện cho các hãng hàng không và sân bay lớn nhất châu lục đã bày tỏ những mối lo ngại mới rằng, nếu các quốc gia không phối hợp tốt để thực hiện EUDCC, các sân bay sẽ hỗn loạn vì hàng khách xếp hàng dài tắc nghẽn.
Trong bức thư cảnh báo gửi tới các nhà lãnh đạo EU, tổ chức cảng hàng không châu Âu ACI, cũng như các tổ chức hàng không A4E, IATA và ERA nêu rõ: “Việc kiểm tra nhiều lần và thiếu các công cụ xác minh được cung cấp cho các hãng hàng không sẽ gây ra hàng dài khách hàng chờ đợi không cần thiết tại các sân bay và mất nhiều thời gian xử lý nếu các quốc gia thành viên không phối hợp…Khi lưu lượng hành khách tăng lên trong những tuần tới, nguy cơ hỗn loạn tại các sân bay châu Âu là có thật.”
Thêm vào đó, sự xuất hiện và lây lan mạnh của biến thể Delta tại châu Âu đang có nguy cơ làm giảm hiệu quả của công cụ vốn đã được cho là “mong manh” này.
Hồi tuần trước, biến thể Delta hiện đã khiến Đức đưa Bồ Đào Nha vào danh sách các quốc gia có nhiều rủi ro và cấm tất cả du khách đến từ nước này nhập cảnh. Tính đến ngày 30/6, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 2.300 ca mắc Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ giữa tháng 2, trong đó 90% là nhiễm biến thể Delta.
Trước đó, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, đến cuối tháng 8, biến thể Delta có khả năng sẽ gây ra 90% số ca mắc Covid-19 mới trong EU.
Do đó, EU đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 để đạt được mức tối thiểu 80% dân số được tiêm phòng đầy đủ, tăng 10% so với khuyến nghị trước đó do sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn, nhằm đạt được “miễn dịch cộng đồng”.
Theo Tiến sĩ Hans Kulge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới, các biện pháp khuyến nghị đi lại an toàn vẫn vô cùng quan trọng, đặc biệt tại các điểm nhập cảnh chính.
“Điều này không có nghĩa là người dân không được đi lại, nhưng phải đi lại một cách an toàn. Điều chúng ta cần hiện nay là việc tiêm chủng vaccine Covid-19 phải nhanh hơn tốc độ lây lan của các biến chủng”, Tiến sĩ Kulge nhấn mạnh.
Mặc dù còn đó những lo ngại chủ quan về cơ chế thực hiện và khách quan do dịch bệnh đưa lại, EUDCC vẫn được kỳ vọng là “chìa khóa” để làm hồi sinh ngành du lịch châu Âu. Không những thế, đây còn được coi là một mô hình kiểu mẫu để nhiều quốc gia và khu vực dựa vào đó nhằm dần trở lại cuộc sống bình thường sau dịch bệnh.