Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang trong thời kỳ “du lịch trả thù”, trong khi xu hướng này đã diễn ra ở Bắc Mỹ và châu Âu. Nếu nhìn vào năm 2024, mặc dù chúng ta vẫn đang nỗ lực thoát ra khỏi hậu quả của đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại và di chuyển bằng đường hàng không vẫn rất mạnh – Ông TIM BACCHUS, nhà phân tích cấp cao về hàng không châu Á – Thái Bình Dương tại Bloomberg Intelligence.
(Du lịch trả thù chỉ nhu cầu đi du lịch sau hai năm bị gián đoạn vì COVID-19)
Đà phục hồi nhanh
Trung Quốc (TQ), thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của nhiều nước châu Á, tiếp tục chứng kiến sự phục hồi mạnh trong năm 2023. Theo Học viện Du lịch TQ, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch TQ, doanh thu du lịch năm 2023 của TQ khả năng ở mức 5.200 tỉ nhân dân tệ (730 tỉ USD), bằng 91% so với năm 2019 (thời điểm trước đại dịch COVID-19), theo đài CGTN.
Tổ chức Du lịch Hàn Quốc cho biết nước này đón hơn 11 triệu du khách nước ngoài vào năm 2023, tăng 245% so với năm 2022. Doanh thu du lịch tăng 26,4% so với cùng kỳ, lên mức 13,52 tỉ USD, theo hãng thông tấn Yonhap.
Theo tờ Bangkok Post, ngành du lịch Thái Lan đang có nhiều dấu hiệu phục hồi, dù vẫn chưa về mức trước đại dịch cả về số lượng và doanh thu. Lượng khách nước ngoài đến Thái Lan năm 2023 đạt 28 triệu lượt, tương đương 70% so với năm 2019. Doanh thu du lịch từ thị trường nước ngoài năm 2023 đạt 1.200 tỉ baht (33 tỉ USD), phục hồi 60% so với năm 2019.
Dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ nhập cư Nhật Bản ngày 26-1 cho thấy số lượng người nước ngoài đến Nhật Bản trong năm 2023 đạt 25,83 triệu, tăng gấp sáu lần so với năm 2022 và bằng khoảng 80% so với mức cao nhất từng được ghi nhận là 31,19 triệu người vào năm 2019, theo hãng thông tấn Kyodo News.
Sẽ còn khởi sắc hơn
Theo dự báo của UNWTO, du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2024. Trước triển vọng đó, ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương dự kiến cũng sẽ có nhiều khởi sắc. UNWTO cũng lưu ý rằng ngoài sự cải thiện ở thị trường châu Á, nhu cầu bị dồn nén và kết nối hàng không gia tăng sẽ giúp thế giới đạt được sự phục hồi du lịch hoàn toàn.
UNWTO dự báo sự phục hồi của ngành du lịch TQ sẽ tăng tốc trong năm 2024, nhờ Bắc Kinh ký kết loạt thỏa thuận miễn thị thực cho công dân các nước như Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Malaysia và gần đây là Thái Lan.
Theo một khảo sát của công ty công nghệ Baidu (TQ), xu hướng du lịch sắp tới sẽ là các chuyến du lịch gia đình cũng như tham quan các tỉnh, thành trong TQ như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu… Lượng khách TQ đi ra nước ngoài trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2024 khả năng sẽ tăng mạnh, đặc biệt đến các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Á, theo tờ South China Morning Post.
“Thị trường du lịch quốc tế dự kiến sẽ có sự đột biến. Các điểm đến phổ biến sẽ bao gồm các quốc gia và khu vực lân cận” – tờ China Daily dẫn lời bà Liang Nan, Giám đốc bộ phận vận tải tại Cục Hàng không dân dụng TQ.
Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu đón 20 triệu du khách nước ngoài và đạt doanh thu du lịch 24,5 tỉ USD vào năm 2024. Theo Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, nước này đặt mục tiêu trên nhằm cách mạng hóa ngành du lịch và sẽ có nhiều biện pháp khuyến khích du khách đến Hàn Quốc thường xuyên cũng như lưu trú lâu hơn.
Tổng cục Du lịch Thái Lan bày tỏ sự lạc quan về ngành du lịch nước này trong năm 2024 khi đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỉ baht. Trong đó, Thái Lan ưu tiên nâng cao chất lượng hơn số lượng, thúc đẩy các hoạt động bền vững và du lịch ở “Muang Rong” (các TP cấp hai), theo đài Thai PBS.•
Chuyên gia Thái Lan chỉ cách hút khách và mức chi tiêu
Nhiều chuyên gia Thái Lan thừa nhận Nhật Bản dù mở cửa muộn hơn Thái Lan nhưng phục hồi du lịch tốt hơn. Giải thích việc này, ông Sisdivachr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý du lịch Thái Lan, cho rằng danh tiếng về sự an toàn, văn hóa độc đáo và thái độ phục vụ của Nhật Bản đã thu hút một lượng lớn khách du lịch.
Ông Sisdivachr gợi ý nếu Thái Lan muốn hút thêm du khách và để có thể đón được mức 70-80 triệu du khách trong tương lai thì chính phủ phải vạch kế hoạch, lựa chọn các điểm đến tiềm năng mới để chào đón du khách, xây dựng cơ sở vật chất cần thiết, chẳng hạn như phòng khách sạn, điểm tham quan và khả năng kết nối. Ông Sisdivachr chỉ ra rằng rào cản lớn nhất đối với ngành du lịch Thái Lan là sự kết nối không hiệu quả giữa các khu vực du lịch lớn và hạng hai.
Mức chi tiêu của du khách đến Nhật Bản cũng cao hơn nhiều đến Thái Lan. Lý do, theo ông Sisdivachr, du khách đến Nhật Bản phần nhiều là khách du lịch chặng dài nên số tiền họ bỏ ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, đồng yen yếu cũng kích thích du khách đến Nhật Bản chi tiêu. Trong khi đó, du khách đến Thái Lan chủ yếu là những du khách đi chặng ngắn, là những du khách thường xuyên và không có khả năng chi tiêu nhiều như khách du lịch đi chặng dài.
Bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, hiến kế tối đa hóa doanh thu du lịch bằng cách tập trung các biện pháp kéo dài thời gian lưu trú và khuyến khích du khách tăng chi tiêu cho mỗi chuyến đi. Chính phủ cũng cần lôi kéo các thị trường ngách có xu hướng ở lại Thái Lan lâu hơn, chẳng hạn như phân khúc như Mice (hội nghị, hội thảo, sự kiện, khen thưởng), du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe.