Cuba là một trong những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19 tại Mỹ Latinh, với khoảng 47.000 trường hợp được ghi nhận và hơn 270 trường hợp tử vong. Lượng khách du lịch đến Cuba giảm từ 4,3 triệu năm 2019 xuống còn 1,1 triệu vào năm 2020.
Mức thu nhập sụt giảm
Nằm trong thung lũng Vinales, thị trấn Vinales được UNECO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1999. Đây là một khu cảnh quan núi đá vôi nổi bật, trong đó các phương pháp nông nghiệp truyền thống (đặc biệt là trồng thuốc lá) vẫn tồn tại không thay đổi qua vài thế kỷ.
Những nỗ lực trong việc bảo tồn kiến trúc, hàng thủ công và âm nhạc truyền thống đã thu hút khách du lịch đến Vinales. Du lịch bắt đầu được đẩy mạnh vào năm 2011 và bùng nổ vào năm 2019. Tuy nhiên giờ đây người dân Vinales chỉ nhớ những du khách cuối cùng rời đi vào tháng 3/2020 và biên giới nhanh chóng bị đóng cửa sau đó.
Trước đại dịch, Yusmani Garcia kiếm được 500 peso (khoảng 21 USD) cho mỗi chuyến xe ngựa đưa du khách tham quan cảnh đẹp tại thung lũng. Vào thời điểm đó, mức lương tối thiểu cho một người Cuba là 36 USD mỗi tháng. Nhưng bây giờ, chiếc xe được cất giữ trong một nhà để xe và Garcia đã bắt đầu công việc làm móng ngựa.
Anh nói: “Đó là một sự thay đổi khó khăn, không nhiều người muốn làm công việc này. Khách du lịch mang theo cơ hội về một cuộc sống tốt hơn, nguồn thu nhập tốt hơn, có thêm nhiều việc làm và kinh tế được cải thiện. Giả sử du lịch biến mất do đại dịch, chúng tôi không biết phải làm gì”.
Còn với Rosita, đại dịch Covid-19 khiến bà phải đóng cửa nhà hàng, nơi du khách thường ghé thăm mỗi ngày để thưởng thức đồ ăn và âm nhạc trong khung cảnh xanh tươi. “Có thời điểm, chúng tôi có cả trăm khách du lịch đến cùng lúc từ các quốc gia khác nhau. Nhưng không có du lịch, không còn nguồn thu nữa” – bà Rosita cho biết.
Quay lại với nghề xưa
Hơn một năm trước, Carlos Millo vẫn bận rộn với cơ sở lưu trú của mình. Anh cho biết: “Đã có lúc tại đây không đủ phòng cho khách du lịch. Thậm chí du khách phải ngủ trong công viên, chỉ vì họ muốn ở lại Vinales. Nhiều du khách không đến từ nước ngoài mà từ thủ đô Havana hoặc Matanzas.”
Giờ đây, anh và những người dân khác trong thị trấn phải quay lại phương thức kiếm sống lâu đời là làm nông nghiệp, vì đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh kế của họ.
“Người ta nói rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường trong sáu tháng, nhưng nó vẫn đang tiếp diễn. Tôi muốn kết hợp việc trồng trọt và du lịch để khi du khách quay lại, họ có thể thấy những gì chúng tôi đã làm trong đại dịch. Chúng tôi đã phải quay trở lại làm nông” – Carlos Millo nói.
Eduardo Hernandez đang điều hành trang trại thuốc lá Paco-Concha, vốn của gia đình ông từ năm 1888. Trong nhiều năm qua, nơi này trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Khi mất nguồn thu ngoại tệ, bây giờ gia đình ông tự trồng lương thực và phải để một số nhân viên của mình ra đi. Tuy nhiên những công nhân còn lại vẫn lo được cuộc sống, với việc trồng lúa, ngô và chăn nuôi gia súc.
Eduardo Hernandez chia sẻ: “Tôi nghĩ đây không phải khủng hoảng mà là bài học cho người dân Vinales, mọi người không nên bỏ quên mảnh đất của mình. Từ khi trang trại được thành lập, tôi thường kể với du khách về các sản phẩm được sản xuất trong trang trại và mọi điều về thuốc lá – loại cây chính ở đây”./.