Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo: Du lịch 2023 toàn cầu sẽ phát triển tiệm cận mức của thời trước COVID-19, với sự thúc đẩy của du khách Trung Quốc quay trở lại cùng dòng chảy du lịch quốc tế.
Kênh tin tức CNBC của Mỹ ngày 7/5 đưa tin: Theo Nghiên cứu Tác động kinh tế năm 2023 của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC’s 2023 Economic Impact Research), lĩnh vực du lịch và lữ hành toàn cầu được dự báo đạt khoảng 9,5 nghìn tỷ USD năm 2023. Con số này chỉ còn kém 5% so với mức đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019.
Sau khi sụt giảm mạnh năm 2020, du lịch toàn cầu đã tăng trưởng trở lại vào năm 2021 với mức gần bằng 25% của năm 2022, rồi tiếp tục tăng thêm 22% năm 2022 – Báo cáo thường niên của WTTC (WTTC’s annual report), được thực hiện với sự hợp tác của hãng tư vấn Oxford Economics, nêu rõ.
Báo cáo thường niên của WTTC vừa được công bố tuần trước, cũng dự đoán: Du lịch toàn cầu sẽ sự phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, với sự thúc đẩy của du khách Trung Quốc quay trở lại cùng dòng chảy du lịch quốc tế. Từ đó du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển.
“Chúng tôi kỳ vọng du lịch toàn cầu năm 2024 sẽ vượt qua mức trước đại dịch… Nghiên cứu tác động kinh tế của chúng tôi dự báo rằng Bắc Mỹ và Mỹ Latinh sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2023. Chúng tôi cũng dự báo rằng châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Cuối cùng là vùng Caribbea sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025” – bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm CEO WTTC chia sẻ.
Về sự quay trở lại của du khách Trung Quốc với du lịch quốc tế từ đầu năm 2023, thông tin báo chí tuần đầu tháng 5/2023 lưu ý rằng: Các số liệu từ kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2023 – mùa du lịch đầu tiên thời “hậu COVID-19” không còn bị hạn chế – đang được theo dõi như một loại thước đo sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.
“Sự bùng nổ du lịch dịp kỳ nghỉ 1/5 có thể coi là một bước ngoặt của ngành du lịch Trung Quốc” – hãng tin Xinhua nhấn mạnh.
Điều đó thể hiện qua sự bùng nổ cả về du lịch nội địa, du lịch inbound (đón du khách quốc tế nhập cảnh) và outbound (du lịch nước ngoài).
Du lịch nội địa Trung Quốc đang trên đà phục hồi nhanh chóng. Theo đó, người dân Trung Quốc háo hức đi du lịch đã thực hiện 274 triệu chuyến đi nội địa – tăng 70,8% so với một năm trước và cao hơn 19% so với năm 2019. Tổng mức du khách nội địa chi tiêu cho kỳ nghỉ này là 148 tỷ nhân dân tệ (21 tỷ USD) – tăng 128,9% so với năm trước và tương đương mức của năm 2019.
Tính chung cho cả năm 2023, Học viện Du lịch Trung Quốc ước tính sẽ có khoảng 4,55 tỷ chuyến đi du lịch nội địa được thực hiện – tăng 72% so với năm 2022.
Trong số du khách inbound, Indonesia là một nguồn lớn của Trung Quốc. Kể từ ngày 21/4, riêng hãng Dịch vụ Lữ hành Quốc tế Hangzhou Nota đã tiếp nhận hàng trăm du khách Indonesia đi theo các nhóm tour đến Trung Quốc.
“Sau thời điểm giữa tháng 5/2023, Jakarta – Hàng Châu sẽ trở thành tuyến du lịch thường xuyên, với các chuyến bay hàng tuần liên tục đưa du khách Indonesia đến miền đông Trung Quốc” – Weng Jie, quản lý trung tâm inbound (đón du khách quốc tế nhập cảnh) của hãng Dịch vụ Lữ hành Quốc tế Hangzhou Nota, chia sẻ.
Chỉ riêng hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Quốc tế Lao động từ 29-30/4, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan trên biên giới với Việt – Trung đã ghi nhận 2.233 du khách Việt Nam đi du lịch theo 104 tour du lịch Trung Quốc.
Du lịch outbound (du lịch nước ngoài) của Trung Quốc cũng chứng kiến đợt bùng nổ mới. Dữ liệu từ chi nhánh du lịch Fliggy của tập đoàn Alibaba cho thấy, số đơn đặt hàng tour du lịch nước ngoài kỳ cho nghỉ lễ 1/5 tăng 200% so với dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Theo báo cáo từ một nền tảng du lịch khác của tập đoàn Trip.com (trước đây gọi là Ctrip), số đơn đặt hàng du lịch nước ngoài cho kỳ nghỉ lễ 1/5 tăng gần 700% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó số lượng vé máy bay đi nước ngoài và đặt trước phòng khách sạn cũng tăng mạnh, với mức lần lượt là gần 900% và 450%…