Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kéo dài đang khiến ngành du lịch của khu vực châu Á và các nền kinh tế phụ thuộc bị cô lập với thế giới trong bối cảnh ngành du lịch Mỹ và Châu Âu lại đang tăng tốc phục hồi.
Khi nhiều nước Âu – Mỹ bỏ các hạn chế phòng Covid-19 như cách ly hay xét nghiệm, trong khi những quốc gia khác ở châu Á vẫn duy trì các biện pháp hạn chế cũ có thể làm lỡ cơ hội phục hồi cho ngành là sự khác biệt trong du lịch toàn cầu đang ngày càng lớn.
Ở Anh, việc xét nghiệm trước chuyến bay đã được loại bỏ hoàn toàn và chính phủ chỉ yêu cầu bằng chứng tiêm phòng từ du khách. Động thái này xảy ra do quốc gia này muốn bình thường hóa lưu lượng hàng không quốc tế.
Tuy nhiên, các cửa ngõ du lịch của châu Á như Hong Kong và Singapore lại đang chứng kiến điều ngược lại. Hai thị trường du lịch trên đang bị xa lánh do du khách muốn tìm cách tránh phải chịu cách ly bắt buộc kéo dài hàng tuần liền trong khách sạn và hàng tá xét nghiệm.
Công ty dữ liệu hàng không Cirium cho hay, hai cửa ngõ này ghi nhận trung bình 30.000 chuyến bay mỗi tháng trước đại dịch. Tuy nhiên vào tháng 2 năm nay, con số này giảm xuống chỉ còn 4.514.
Mỹ và Châu Âu tiến tới loại bỏ hoàn toàn rào cản phòng dịch
Số lượng các chuyến bay tại Châu Âu sẽ vượt quá mức 75% so với trước đại dịch vào tháng 3 tới. Tại Mỹ, con số này còn cao hơn ở mức 86%, theo Ciricum cho biết.
Hiện Chính phủ Anh đang thực hiện các phương pháp nhằm chung sống với Covid-19, đặc biệt là với việc chấp nhận chứng nhận tiêm vaccine từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này, biến thể omicron đã lan rộng trong cộng đồng và việc xét nghiệm các du khách đã tiêm phòng đầy đủ không còn hữu ích nữa.
Được thúc đẩy bởi quyết định này của Anh và việc xóa bỏ các hạn chế đi lại trong nội bộ châu Âu, các công ty hàng không tại Mỹ cũng đang vận động chính phủ nước này hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm trước khi khởi hành với hành khách đã tiêm phòng đẩy đủ. Một bức thư ngày 2/2 gửi tới Nhà Trắng, được dẫn đầu bởi Airlines for America, đã nhấn mạnh rằng Covid đã lây lan rộng tại Mỹ và việc xét nghiệm bắt buộc “không thể thay đổi thực tế đó”.
Hawaii cũng đang trong quá trình thảo luận để loại bỏ toàn bộ các hạn chế đi lại, ít nhất là với du khách nội địa trong những tháng tới, theo tờ Washington Post cho hay.
Trong việc xóa bỏ rào cản chống dịch, Châu Á tụt lại phía sau
Tại châu Á, các biện pháp phòng dịch Covid-19 đang bóp nghẹt dòng khách du lịch tới các quốc gia đang cần du khách nhất. Hãng hàng không Jetstar của Australia gần đây đã hoãn việc nối lại các chuyến bay từ Melbourne và Sydney tới Bali. Nguyên nhân là do yêu cầu cách ly 5 ngày khi tới hòn đảo này của Indonesia kể cả khi du khách đã được tiêm phòng đầy đủ.
“Chúng tôi trông đợi vào việc kết nối các chuyến bay tới Bali một khi các hạn chế được nới lỏng hơn nữa”, Đại diện của Jetstar, hãng hàng không thuộc sở hữu của Qantas Airways cho biết.
Cùng với đó, triển vọng thay đổi ngay lập tức là không lớn. Hong Kong vẫn đang theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoàn toàn virus ngay cả khi số ca nhiễm cộng đồng đang gia tăng. Đối với những người đến nước ngoài trong vòng 14 ngày, nơi này sẽ yêu cầu cách ly bắt buộc. Đồng thời trong tuần trước, giới chức Hong Kong cũng vừa thắt chặt hạn chế hơn nữa khi mở rộng giới hạn tụ tập tới gặp mặt riêng tư.
Trung Quốc cũng không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào sẽ từ bỏ cuộc chiến ngăn chặn virus dù các khu vực khác trên thế giới đã bắt đầu coi Covid-19 là dịch bệnh đặc hữu. Trong tháng này, các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục phong tỏa thành phố Bách Sắc với 3,6 triệu dân sau khi nơi này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm.
Có thể nói, Trung Quốc là chìa khóa cho sự phục hồi trên diện rộng, là thị trường rộng lớn có khả năng tự kích hoạt sự trỗi dậy du lịch toàn cầu. Tuy nhiên theo dự kiến, quốc gia này sẽ tiếp tục phong tỏa biên giới của mình ít nhất là trong cả năm nay.
Thái Lan trong tháng 2 này, cũng đã nối lại hoạt động du lịch không yêu cầu cách ly với du khách đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc yêu cầu xét nghiệm nhiều lần và đăng ký mức chi trả bảo hiểm cơ bản đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Trong năm nay, quốc gia này cũng chỉ đưa ra dự kiến đón 10 triệu lượt khách du lịch, một con số khiêm tốn so với mức 40 triệu trước đại dịch.
Singapore cũng đã ký hơn 20 thỏa thuận với các quốc gia khác trong việc thiết lập các tuyến đường bay cho du khách tiêm phòng đầy đủ. Dù vậy, những người nhập cảnh vẫn phải trải qua gần 1 tuần xét nghiệm virus corona mỗi ngày. Thêm vào đó, bất kỳ ai tham dự triển lãm hàng không tại đây trong tuần này, một sự kiện được dự đoán sẽ thu hút hơn 13.000 đại biểu đến tham dự trực tiếp cùng 600 công ty, sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính mỗi ngày như một điều kiện tham gia.
Theo bà Hannah Pearson, đối tác sáng lập của công ty tư vấn du lịch Pear Anderson có trụ sở tại Kuala Lumpur, cho biết chi phí xét nghiệm hàng ngày cho một gia đình tới Singapore đã đủ để khiến bất kỳ ai chùn bước khi rơi vào mức 93 USD. Trên hết, du khách vẫn phải chịu nguy cơ nhận được kết quả dương tính và phải trả tiền cách ly trong một khách sạn được chỉ định. Toàn bộ chuyến đi do đó sẽ trở nên hoàn toàn bị lãng phí.
Singapore đang tiến hành những nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của kit xét nghiệm nhanh cho hành khách tại sân bay Changi nhằm giải quyết tình trạng này. Theo tờ Business Times, phương pháp xét nghiệm này sẽ nhanh hơn và rẻ hơn nhiều so với phương pháp cũ là xét nghiệm PCR.
Các rào cản phòng dịch khiến du lịch Châu Á chịu tổn thất
Giám đốc tư vấn toàn cầu của Cirium ông Rob Morris, sự phục hồi du lịch hàng không vẫn sẽ không đồng đều trong thời gian còn lại của năm 2022. Các quốc gia ở châu Âu, Bắc và Nam Mỹ vẫn sẽ tiếp tục mở cửa trở lại trong khi các hạn chế của châu Á vẫn sẽ tiếp tục khiến khách du lịch ngần ngại. Ông nhận định tốc độ phục hồi khác nhau là rất rõ ràng. Sự phục hồi tại châu Á chắc chắn sẽ chậm hơn các khu vực khác do Trung Quốc đóng cửa biên giới với khách quốc tế đến cuối năm 2022.
Vai trò trung tâm của Trung Quốc và Hong Kong trong thị trường hàng không châu Á có nghĩa là phương pháp tiếp cận zero-covid sẽ tạo áp lực lên các quốc gia láng giềng. Theo Ciricum, số lượng các chuyến bay đến châu Á từ bên ngoài khu vực trong tháng này ít hơn một nửa so với mức trước đại dịch.
“Các yêu cầu xét nghiệm là một yếu tố gây trở ngại”. Việc Singapore và Thái Lan, 2 quốc gia mở đường cho khu vực Đông Nam Á trong việc tái mở cửa du lịch, vẫn đang sử dụng cách tiếp cận nghiêm ngặt này có thể sẽ khuyến khích các quốc gia khác có những cách xử lý tương tự, bà Pearson thì nhận định.
Những yêu cầu này đang tạo ra những áp lực tài chính kéo dài lên các hãng hàng không có phần lớn đường bay tới châu Á như Cathay Pacific Airways và Singapore Airlines. Các hãng hàng không giá rẻ như Cebu Air tại Philippines và AirAsia có trụ sở tại Malaysia cũng nằm trong số chịu tác động tiêu cực. Số lượng các chuyến bay quốc tế đang dần gia tăng tại Mỹ và châu Âu trong khi Trung Quốc đang kìm hãm châu Á lại.
Với các hãng hàng không như British Airways và Virgin Atlantic Airways đều ghi nhận sự gia tăng đột biến trong số lượng người quan tâm tới các chuyến bay đường dài trong tháng 1, chỉ vài ngày sau khi yêu cầu kiểm tra bắt buộc trước khi lên máy bay tại Anh được loại bỏ. Theo đà đó, quốc gia này tiếp tục loại bỏ yêu cầu hành khách làm xét nghiệm Covid bắt buộc sau khi nhập cảnh hôm 11/2.
Phó giáo sư về quản lý vận tải hàng không tại Viện Công nghệ Singapore ông Volodymyr Bilotkach cho biết, các điểm đến ở châu Á có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút khách cho những kỳ nghỉ ngắn ngày sắp tới. “Tại sao phải đến Singapore từ 4 đến 5 ngày, trả tiền cho tất cả các bài kiểm tra và đối mặt với nguy cơ bị mắc kẹt trong khách sạn, trong khi bạn có thể đến New York mà không phải lo lắng về tất cả những điều này?” ông nói.
Mặt khác, một số quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có dấu hiệu nới lỏng rào cản chống dịch. Tuần trước, Australia cho biết du khách đã tiêm phòng đầy đủ sẽ được phép nhập cảnh từ 21/2. Trong khi đó, New Zealand cho biết sẽ bắt đầu tái mở cửa từ cuối tháng này, tuy nhiên du khách vẫn được yêu cầu cách ly trong 10 ngày để đảm bảo an toàn