Thủ đô Warsaw (Ba Lan) từng là một điểm đến du lịch yêu thích của nhiều du khách giờ đây lại vắng vẻ, đìu hiu do ảnh hưởng từ cuộc xung đột. (Nguồn: Getty) |
Khi Julie, một du khách người Mỹ quyết định chọn Warsaw (Ba Lan) là điểm đến sắp tới, cô đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía người thân và bạn bè. “Mẹ tôi và một vài người bạn nói rằng, Warsaw ở khá gần Ukraine, chẳng nhẽ tôi không cảm thấy lo lắng hay sao?”, cô nói.
Tuy nhiên, Julie cho biết, cô vẫn quyết tâm lên đường vì đã trót đem lòng yêu sự cổ kính và đậm nét lịch sử của những con phố tại thủ đô Warsaw. “Thành phố có những công viên xinh xắn, thời tiết rất mùa Hè rất dễ chịu, người dân thì mến khách, thân thiện. Tôi không thấy có bất cứ mối bận tâm nào khi ghé thăm Warsaw”.
Điều đáng buồn là không phải du khách nào cũng cảm thấy an toàn và sẵn sàng để tới Ba Lan như Julie. Cuối tháng 3/2022, Thứ trưởng Bộ Thể thao và Du lịch Ba Lan, Andrzej Gut-Mostowy từng cho biết, số lượt hủy chuyến từ du khách nước ngoài đã tăng từ lên gần 40%, một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hãng hàng không châu Âu Jet2 thậm chí đã đình chỉ các chuyến bay đến Ba Lan vào tháng Ba và chỉ bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng Chín – quá muộn nếu du khách muốn trải nghiệm kỳ nghỉ Hè tại quốc gia này.
Và không riêng gì Ba Lan, ngành du lịch của nhiều nước Đông Âu cũng đang phải chịu “vạ lây” do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cuộc khủng hoảng trên diện rộng
Nhà điều hành tour nổi tiếng chuyên khu vực châu Âu Last Night of Freedom cho biết, không chỉ lượng đặt phòng đến Krakow (Ba Lan) đã giảm gần 60%, lượng đặt phòng đến Budapest (Hungary) cũng giảm 45% hay đến Riga (Latvia) giảm 39%.
Số liệu của Cơ quan Du lịch Hungary cho thấy, lượng khách đến quốc gia Đông Âu này đã giảm 37% trong 6 tháng đầu năm 2022, so với năm 2019. Riêng lượng du khách Mỹ giảm đến 65%.
Slovakia, quốc gia có đường biên giới với miền Tây Ukraine, từ tháng 1 đến tháng 5/2022 đã chứng kiến số lượng du khách nước ngoài giảm mạnh 49% so với năm 2019, theo số liệu của cơ quan du lịch.
Một quan chức trong ngành du lịch Slovakia cho hay: “Thật khó để biết được có bao nhiêu người ngại đến Slovakia vì lo sợ đại dịch và bao nhiêu người lo lắng về cuộc xung đột ở Ukraine. Thủ đô Bratislava nằm trên biên giới với Áo, cách Vienna một giờ – và cách Kiev 16 giờ. Tuy nhiên, biên giới chung cũng đã đủ khiến nhiều người sợ hãi”.
Cuộc xung đột thậm chí còn ảnh hưởng đến các quốc gia không có chung đường biên giới với Ukraine. Bà Liina Maria Lepik, Giám đốc Cơ quan Du lịch Estonia, nói rằng một nửa trong số 350 tàu du lịch dự kiến đến thăm Tallinn vào năm 2022 đã bị hủy bỏ “do hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột”.
Ông Wojtek Mania từ Tổ chức Du lịch Poznań cho biết, tình hình trở nên rất bất ổn và không thể đoán trước được: “Thực sự đáng buồn khi cuộc khủng hoảng chính trị lại ảnh hưởng đến ngành du lịch, vốn là dịp để mọi người có thể cùng nhau quây quần”.
Dù chưa có số liệu của cả năm 2022 nhưng ông Mania tiết lộ “ảnh hưởng của cuộc xung đột rất dữ dội”. Lượng khách du lịch giảm nhanh chóng, đặc biệt là khách du lịch theo nhóm.
Theo ông Wojtek Mania, khi cuộc xung đột nổ ra, nhiều khách du lịch đến từ các quốc gia Scandinavia và Tây Ban Nha đã bắt đầu hủy đặt phòng, sau đó đến lượt Vương quốc Anh. “Các công ty lữ hành đã hủy chuyến đi với số lượng thực sự lớn”, ông Mania nói.
Romania cũng chứng kiến lượng khách du lịch giảm kỷ lục do có chung đường biên giới với Ukraine. (Nguồn: Adobe Stock) |
Dorota Wojciechowska, Giám đốc Hội đồng Du lịch Ba Lan tại London, chỉ ra rằng các thành phố như Krakow, Gdansk, Wrocław, Poznań và Warsaw … đều nằm cách xa biên giới với Ukraine hàng trăm dặm và “khoảng cách giữa Krakow và Kyiv cũng xa như khoảng cách giữa London và Madrid vậy”.
Theo ông Tom Smith, tổng giám đốc khu vực châu Âu tại Intrepid Travel, Ba Lan và Romania đã chứng kiến sự sụt giảm không thể chối cãi liên quan đến cuộc xung đột.
“Khi du lịch đến Romania thời gian gần đây, nhiều người dân địa phương chia sẻ họ đã chứng kiến sự sụt giảm lớn về khách du lịch, đặc biệt xung quanh khu vực đồng bằng sông Danube, gần biên giới Ukraine nhất”, ông Tom Smith dẫn chứng.
Giảm giá kịch sàn
Thời điểm tháng Giêng, ông Jacek Legendziewicz – giám đốc hệ thống khách sạn thuộc Tập đoàn Jordan từng hy vọng năm 2022 du lịch sẽ khởi sắc sau 2 năm ngừng trệ bởi đại dịch. Nhưng ngay sau đó, cuộc xung đột nổ ra và hệ thống đã mất đến 80% tỷ lệ đặt phòng theo nhóm chỉ trong thời gian ngắn.
Ông Legendziewicz cho biết, ngay cả thời điểm hiện tại, khi số lượng khách du lịch đã tăng lên nhưng lượng đặt phòng cũng rất ít ỏi. Dù số lượng khách tham dự hội nghị khá ổn định nhưng lượng khách du lịch từ nước ngoài “tăng rất chậm”.
“Lượng khách nước ngoài đã giảm tới 60%, gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2019”, ông Legendziewicz nói, đồng thời tiết lộ ông đang chuẩn bị cho một kế hoạch giảm giá kịch sàn với khẩu hiệu “Chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có thể rẻ đến như vậy”.
Những quốc gia được hưởng lợi
Điều thú vị là có hai quốc gia trong khu vực Đông Âu lại có lượng khách du lịch tăng lên, bất chấp cuộc xung đột leo thang. Moldova, giáp với Ukraine, đã có nhiều du khách nước ngoài hơn trong quý đầu tiên của năm 2022 so với trước đại dịch, từ 31.000 khách du lịch không cư trú vào năm 2019 tăng lên 36.100 vào năm 2022.
Trong khi đó, Lithuania – quốc gia giáp với đồng minh của Nga là Belarus và vùng ngoại ô Kaliningrad Oblast của Nga, cho biết vào tháng Sáu, số lượng du khách đã ở mức 88% so với năm 2019.
Những du khách này bao gồm nhiều người Ukraine tị nạn, nhưng số lượng khách du lịch từ Latvia, Anh và Mỹ đều tăng lên.