Trong khi những tác động này rõ rệt hơn ở châu Âu, Mỹ và Australia, đến lượt ngành du lịch ở châu Á đang ngày càng cảm nhận “sức nóng”, khi biến đổi khí hậu và điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn các mô hình và hoạt động du lịch truyền thống.
Ở Thái Lan, nắng nóng như thiêu đốt đã ảnh hưởng đến hành vi và hoạt động của du khách. Công ty du lịch Tripseed cho biết du khách gặp khó khăn, đặc biệt là dịp nắng nóng cao điểm trong tháng 3 và tháng 4: “Chúng tôi đã thấy một số du khách đến Thái Lan và cảm thấy thời tiết quá nóng đối với họ để tham gia chuyến đi hoặc tiếp tục một phần hành trình tham quan, đặc biệt là trong tháng 3 và tháng 4 khi thời tiết khô nóng có thể tồi tệ nhất”.
Công ty Tripseed tại Thái Lan đã phải ưu tiên tư vấn về yếu tố thời tiết ngay từ giai đoạn đặt dịch vụ, nhằm đảm bảo khách hàng có những kỳ vọng phù hợp trước khi đi du lịch. Tuy nhiên, nắng nóng có thể gây bất ngờ và khó chịu hơn tưởng tượng, khi du khách thực sự phải chịu đựng tại điểm du lịch.
“Một số du khách có thể không đánh giá đúng khả năng chịu nắng nóng của họ. Mặc dù chúng tôi chưa thấy số lượng đặt chỗ giảm, ngay cả những tháng nóng nhất là tháng 3 và tháng 4, nhưng địa điểm và hoạt động trong chuyến du lịch đã bị ảnh hưởng. Đó là lý do có nhiều lượt đặt chỗ hơn về phía các tỉnh miền nam Thái Lan và hướng tới các hành trình ít vất vả hoặc ít vận động hơn”, đại diện công ty Tripseed cho biết.
Tại Singapore, các công ty du lịch cũng phải thích ứng tương tự khi thời tiết thất thường ảnh hưởng đến các chuyến đi bộ trải nghiệm, thậm chí nhiều du khách từ bỏ hoạt động này. Một số công ty đã phát triển các tour du lịch ban đêm để phục vụ khách du lịch vì nắng nóng. “Khách hàng của chúng tôi thường nhạy cảm với nhiệt độ – họ không thể phơi nắng quá thời gian từ 1 – 2 giờ đồng hồ. Vì vậy các chuyến tham quan ban đêm sẽ được triển khai vào cuối tháng này như một lựa chọn thay thế”, đại diện công ty Local Alike cho biết.
Tại Malaysia, công ty Universal Holidays Travel & Tourism đã phải điều chỉnh lịch trình tour để tránh cái nóng gay gắt vào buổi chiều. Giám đốc điều hành công ty này giải thích: “Năm nay, Malaysia đang trải qua thời tiết nóng hơn so với những năm trước. Giờ thì chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan thành phố Kuala Lumpur nửa ngày vào khoảng 8h hoặc 9h, kết thúc vào giờ ăn trưa để tránh cái nóng gay gắt. Trong khi các năm trước, những chuyến tham quan này bắt đầu lúc 10h”.
Ông Bruce Poon Tip, người sáng lập công ty điều hành tour du lịch mạo hiểm G Adventures cho biết tính chất khó đoán của các mùa trong năm đang gây ra sự gián đoạn cho hoạt động du lịch, đồng thời việc kinh doanh cũng gặp nhiều thách thức. Nhiều người yêu thích du lịch vẫn sẽ tiếp tục chuyến đi bất kể điều kiện khí hậu, tuy nhiên sẽ có những thay đổi về điểm đến, cũng như khoảng thời gian đi du lịch trong năm.
“Các mùa ngày càng trở nên khó đoán, điều đó gây ra sự gián đoạn ở khắp nơi tại Nam bán cầu, nơi mùa khô và mùa mưa đang trở nên khắc nghiệt hơn. Chúng tôi phải liên tục theo dõi những nơi mà tour du lịch mạo hiểm có thể thực hiện được hay không… Cùng với bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và môi trường đang trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến những nơi du khách có thể ghé thăm một cách an toàn”, Bruce Poon Tip cho biết.
Ông Kevin Phun – Giám đốc Trung tâm du lịch có trách nhiệm ở Singapore cho rằng những thay đổi mà ngành du lịch phải đối mặt do biến đổi khí hậu không hoàn toàn là sự u ám, mà cũng là cơ hội để các công ty du lịch coi đây là hoạt động giáo dục và truyền tải thông điệp. Hơn nữa, thế hệ Millennials và Gen Z sẽ sớm trở thành phân khúc khách hàng chính của ngành du lịch.
“Đó là những vị khách được sinh ra ở thế hệ mà tính bền vững, trách nhiệm và SDG thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện. Vì vậy, đó là cuộc chơi mới đối với các công ty du lịch, nhưng cũng thuận lợi hơn vì trong vài năm tới, khách hàng của ngành du lịch sẽ là những người quen thuộc, thông thạo với chủ đề về bền vững và trách nhiệm”, ông Kevin Phun cho biết.