Trung Đông, châu Âu và châu Phi được xác định là những khu vực dẫn đầu trong quá trình phục hồi này. Trong khi Trung Đông ghi nhận sự gia tăng đáng kể với hơn 20% lượng khách so với trước đại dịch, Châu Âu tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu với 56% tổng lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu. Trong khi đó, Châu Á – Thái Bình Dương đối mặt với mức phục hồi chậm hơn, chỉ đạt 62% mức trước đại dịch sau 9 tháng do việc mở cửa du lịch quốc tế diễn ra chậm chạp.
Tính đến tháng 11/2023, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 10,9% so với tháng trước và gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 11 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, đáng chú ý là hơn 9,8 triệu lượt người đến bằng đường hàng không, chiếm 87,3% tổng lượng khách và tăng đến 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn đường bộ và đường biển cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, lần lượt chiếm 11,9% và 0,8% tổng lượng khách quốc tế, với các tỷ lệ tăng gấp 4,1 và 102,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi bền vững của ngành du lịch được chứng minh thông qua sự gia tăng đáng kể của số lượng hành khách trên các chuyến bay và mức độ lấp đầy của các cơ sở lưu trú du lịch. UNWTO nhấn mạnh rằng mặc dù đối mặt với những thách thức kinh tế và căng thẳng địa chính trị, ngành du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.