Theo số liệu được Công ty lữ hành Amadeus (Tây Ban Nha) tổng hợp từ 35.000 khách sạn trên toàn cầu, lượng đặt phòng khách sạn trong quí 4 vượt xa mức năm 2019.
Henrik Kjellberg, Giám đốc điều hành Awaze, công ty dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng lớn nhất châu Âu, cho biết lượng đặt phòng tăng trưởng tốt trong mùa đông cả về số lượng và giá cả. Ông nói: “Ngay cả trong trường hợp kinh tế suy thoái, tôi kỳ vọng ngành du lịch sẽ vẫn hoạt động tốt”.
Dữ liệu đặt chỗ ở các hãng hàng không cũng cho thấy đà phục hồi của hoạt động du lịch không hề chậm lại kể từ mùa hè bận rộn vừa qua với nhiều sân bay ở châu Âu quá tải vì lượng hành khách quá đông.
Theo Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, trong tuần qua, lượng đặt vé máy bay trên toàn cầu cho tháng 9, tháng 10 và tháng 11 chỉ thấp hơn 33% so với mức của năm 2019, một sự cải thiện so với mùa hè khi lượng đặt vé máy bay chỗ thấp hơn 40% so với trước đại dịch.
Dữ liệu chuyến bay của ForwardKeys được lấy từ cơ sở dữ liệu bán vé toàn ngành, bao gồm tất cả các hãng hàng không quốc gia lớn và cả ở khu vực của châu Á, nơi tần suất bay vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường.
Dữ liệu này bao gồm bao gồm lượng vé được bán bởi các hãng hàng không giá rẻ, trong đó, có nhiều hãng ghi nhận nhu cầu phục hồi nhanh mạnh hơn dự kiến và đang bay với tần suất bằng hoặc cao hơn mức năm 2019. Trong những tháng mùa hè cao điểm (tháng 7 và tháng 8), du lịch bằng đường hàng không đến các nước đông nam châu Âu về cơ bản đã vượt quá mức trước đại dịch.
Báo cáo do ForwardKeys ghi nhận lượng khách quốc tế bay đến hai điểm đến lớn nhất của khu vực này là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lần lượt vượt mức trước đại dịch là 9% và 2%. Du lịch hàng không đến Albania (một điểm đến tương đối nhỏ với chưa đến 1% thị phần khách đến từ các chuyến bay ở châu Âu) cũng tăng 28%. Olivier Ponti, Phó chủ tịch ForwardKeys, cho biết nhu cầu du lịch ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang chiếm ưu thế so với lực cản chi tiêu từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Tập đoàn du lịch và lữ hành đa quốc gia TUI Group, có trụ sở tại Hanover, Đức, ghi nhận lượng đặt phòng ở Anh, Đức và Hà Lan đã cao hơn mức trước đại dịch trong những tuần gần đây và mọi người đang chi nhiều tiền hơn bình thường cho các chuyến đi dài hơn. “Điều này thật đáng khích lệ và cho thấy tầm quan trọng hiện tại của những kỳ nghỉ và trải nghiệm du lịch trong thời kỳ hậu đại dịch,” Fritz Joussen, Giám đốc điều hành TUI Group, nói.
Đà phục hồi du lịch vẫn duy trì ngay cả khi các hãng hàng không tăng giá vé để chuyển chi phí nhiên liệu tăng thêm sang hành khách. Hãng bay đường dài Virgin Atlantic (Anh) dự kiến doanh thu trong mùa đông sẽ vượt mức năm 2019 dù hãng chỉ lên kế hoạch bay khoảng 90% lịch trình trước đại dịch.
“Chưa đến giai đoạn chúng tôi nhận thấy nhu cầu giảm vì giá vé”, Vinod Kannan, Giám đốc điều hành Vistara, hãng hàng không lớn thứ hai của Ấn Độ, nói đồng thời lưu ý mọi người đã không đi du lịch trong hai năm qua.
Cổ phiếu hàng không đã giảm trong những tháng gần đây bất chấp đà phục hồi của hoạt động du lịch do giới nhà đầu tư lo ngại triển vọng kinh tế suy yếu và tác động của giá nhiên liệu đối với lợi nhuận hàng không.
Câu hỏi lớn nhất đối với ngành hàng không là liệu nhu cầu có thể duy trì khả năng phục hồi khi kinh tế tăng trưởng trì trệ hay không.
Các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Bernstein Research tính toán rằng với lịch trình bay bận rộn trong quí 4, các hãng hàng không châu Âu sẽ phục hồi hoàn toàn so với năm 2019 đối với các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương và nội địa châu Âu và thấp hơn 9-15% so với năm 2019 đối với các chuyến bay đến phần còn lại của thế giới.
Nhưng họ cảnh báo nhu cầu trong mùa đông vẫn còn rất bất ổn. Kannan, Giám đốc điều hành Vistara, nói: “Trong suốt năm này, bao gồm cả mùa đông sắp tới, chúng tôi vẫn kinh doanh ổn nhờ nhu cầu bay phục hồi sau đại dịch Covid-19 và mọi người vẫn muốn gặp gỡ bạn bè, người thân và đối tác kinh doanh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra vào năm 2023? Chúng tôi sẽ phải chờ xem”.
Theo Financial Times