Đây là mức giảm chưa từng có của ngành du lịch châu Âu, cho thấy du lịch tiếp tục là ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, Eurostat thống kê trong năm 2020, du khách nghỉ tổng cộng 1,4 tỷ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch EU. Năm 2019 trước đại dịch bùng phát, du khách tới EU nghỉ gần 3 tỷ đêm tại các cơ sở lưu trú.
Trong số tất cả các thành viên EU, Síp, Hy Lạp và Malta đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, với số đêm ở các cơ sở lưu trú du lịch địa phương giảm hơn 70% trong năm ngoái, trong khi Hà Lan và Đan Mạch giảm dưới 30%.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy du lịch nội địa của EU phục hồi nhanh hơn du lịch quốc tế vì các biện pháp ngăn chặn Covid-19 đã khiến việc đi du lịch ra nước ngoài khó khăn hơn nhiều so với du lịch tại quốc gia cư trú.
Theo Eurostat, thời gian lưu trú qua đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch của du khách nước ngoài giảm 68% vào năm 2020 trong khi thời gian lưu trú của khách du lịch trong nước giảm 38%.
Bên cạnh đó, trong số các loại hình lưu trú khác nhau, các khách sạn ở EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, tiếp theo là các phòng nghỉ cho thuê, trong khi các khu cắm trại ít bị ảnh hưởng hơn.
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp 27 triệu việc làm cho các quốc gia EU, và đóng góp khoảng 10% GDP của khu vực này.
Kỳ vọng “Hộ chiếu vaccine”
Trong đó có một số quốc gia phụ thuộc lớn vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy sẽ không thể phục hồi nền kinh tế cho đến khi ngành du lịch được mở cửa trở lại.
GDP của Quần đảo Balearic – bao gồm cả Majorca – đã giảm 27% vào năm ngoái. Nếu mùa hè thứ hai bị mất vào tay Covid-19, hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Một quan chức du lịch ở Majorca mô tả tình hình hiện nay rất “không bền vững” và nói rằng nếu khách du lịch không được phép quay trở lại, nhiều doanh nghiệp địa phương sẽ biến mất.
Du lịch Hy Lạp năm ngoái “tụt dốc không phanh” vì đại dịch Covid-19. Hãng tin Reuters đưa tin, doanh thu của ngành du lịch Hy Lạp đã giảm xuống còn 4 tỷ euro (5 tỷ USD), từ mức 18 tỷ euro vào năm 2019. Du lịch chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Hy Lạp, sử dụng 1/5 lao động của nước này.
Dù Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, một số nước EU phụ thuộc vào du lịch đang thúc đẩy và kỳ vọng việc áp dụng hệ thống “hộ chiếu vaccine” có thể mở đường cho mùa du lịch mùa hè năm nay để cứu lấy ngành du lịch đang đóng băng, đẩy nền kinh tế đứng bên bờ vực.
Nhanh chóng, Iceland đã phát hành chứng nhận tiêm chủng cho người dân. Hungary yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng nhận đã tiêm phòng vaccine Covid-19. Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Áo cũng ủng hộ ý tưởng về Hộ chiếu vaccine.
Ông Oscar Arce, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, nói với tờ El País của Tây Ban Nha: “Nếu tiêm chủng đạt mức độ cao vào tháng 6, mùa du lịch sẽ được cứu. Nhưng nếu nó bị trì hoãn đến cuối mùa hè, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong ba tháng đầy bất ổn đó, chúng tôi có rất nhiều nguy cơ bị đe dọa”.
Trong tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết về mặt kỹ thuật sẽ có thể phát triển một “thẻ xanh” (hộ chiếu vaccine) trong vòng khoảng ba tháng bằng cách sử dụng dữ liệu cho biết liệu một người đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hay được miễn dịch sau khi mắc Covid-19, nhưng vẫn nói rằng cần phải giải quyết nhiều vấn đề chính trị liên quan.
Hộ chiếu vaccine hiện vấp phải một phản đối ở một số nước. Pháp và Đức cho rằng còn quá sớm để áp dụng đồng bộ loại thẻ này vì dữ liệu về hiệu quả của vaccine Covid-19 còn chưa đầy đủ.
Cũng có những lo ngại rằng, việc tạo điều kiện cho một nhóm thiểu số được tiêm chủng được đi du lịch nước ngoài trong khi những người khác, chẳng hạn như những người trẻ tuổi không được coi là đối tượng ưu tiên tiêm chủng, sẽ bị coi là phân biệt đối xử.
Một vấn đề khiến “Hộ chiếu vaccine” khó nhận được toàn bộ ủng hộ là sự lây lan nhanh chóng của các biến thể Covid dễ lây lan hơn như biến thể tại Anh, Nam Phi và Brazil – và khả năng xảy ra các đột biến trong tương lai.
Mặc dù còn những ý kiến trái chiều như vậy, song EU vẫn hạ quyết tâm sẽ đạt được đồng thuận về “Hộ chiếu vaccine” trong thời gian trước mùa hè này để cứu lấy nền kinh tế của toàn khối.