Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Khánh Hòa… cùng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam, Hoa Kỳ, một số nước châu Âu và khu vực ASEAN.
Với ba phiên thảo luận, các đại biểu tham gia hội thảo đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin, góc nhìn, cũng như các kiến nghị để hoạt động du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn, bảo đảm tiêu chí thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả.
Đại sứ Micheal W. Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho biết: “Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận về trạng thái, xu hướng của du lịch toàn cầu; thảo luận về quá trình phục hồi ngành du lịch, góp phần trao đổi thêm các giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình phục hồi kinh tế cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái du lịch của khu vực”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu thông tin về lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam đã được Chính phủ thông qua, cùng một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển đã và đang thực hiện. Ông Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch là một trọng tâm được ngành du lịch Việt Nam đẩy mạnh.
Mới đây, bộ phim “A tourist’s guide to love” (tạm dịch: Hướng dẫn du lịch cho tình yêu”) của tập đoàn Netflix có đề tài, bối cảnh Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy trình cấp phép diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
Dự án điện ảnh sẽ ghi hình tại 10 địa phương của Việt Nam, góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp cận hàng trăm triệu người xem khắp thế giới của nền tảng cung cấp dịch vụ phát trực tuyến này.
Một số đại biểu từ các tập đoàn, tổ chức đa quốc gia, như: Adobe, IBM, Kiểm toán KPMG, Hiệp hội Công nghệ Du lịch châu Á (ATTIA)… đã đóng góp những thông số, dữ liệu thống kê mới nhất về hoạt động phục hồi du lịch, hàng không trên toàn thế giới; nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng.
Về du lịch hậu Covid-19, các xu hướng gia tăng đáng chú ý gồm có: nhu cầu du lịch “hybrid” (còn gọi là du lịch lai – kết hợp giữa công tác, công việc với nghỉ ngơi và khám phá nơi đến); nhu cầu du lịch không tiếp xúc, không chạm; nhu cầu hướng về thiên nhiên, điểm đến hoang sơ, ít phổ biến; nhu cầu cá nhân hoá trải nghiệm du lịch, đặc biệt là ở thế hệ Z (sinh năm 1996 trở lại đây)…
Chia sẻ về giải pháp công nghệ của TP Hồ Chí Minh thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết: Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hội thảo về số hóa, du lịch thông minh… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Du lịch TP Hồ Chí Minh có website và app (ứng dụng) du lịch, trong đó cập nhật liên tục chính sách, quy định mới sau đại dịch; có trang web chuyên về quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch TP, tích hợp bản đồ 3D, clip 360 độ…
Vừa qua Bản đồ tài nguyên du lịch TP Hồ Chí Minh được công bố gồm 366 điểm đến, đưa lên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth… Có thể nói hậu Covid-19, nhu cầu chuyển đổi số gia tăng mạnh mẽ trong doanh nghiệp du lịch ở mọi quy mô, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận về xu hướng du lịch sau đại dịch, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh khẳng định: “Tiêu chí hàng đầu vẫn là an toàn cho du khách. Là một trong những tỉnh được thí điểm đón du khách quốc tế có hộ chiếu vaccine từ tháng 11/2021 đến nay, Khánh Hoà đã đón 52 chuyến bay, khoảng 11 nghìn khách du lịch quốc tế Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… và nhận được phản hồi từ du khách rất tích cực”.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao việc mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam từ ngày 15/3 là quyết định kịp thời, phù hợp xu hướng chung của khu vực và quốc tế. Một số doanh nghiệp của Hoa Kỳ và các quốc gia khác chia sẻ mong muốn, đề xuất để quan hệ hợp tác song phương và đa phương với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hiệu quả cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.