Chính phủ Indonesia đánh giá việc tổ chức thành công các sự kiện trong năm Chủ tịch G20 – 2022 và Chủ tịch ASEAN – 2023 đã mang lại hiệu ứng kinh tế tích cực cho ngành du lịch cũng như nền kinh tế sáng tạo của Indonesia. Do vậy, “Quỹ du lịch Indonesia” sẽ được ưu tiên phân bổ cho các sự kiện đẳng cấp thế giới, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương cũng như cả nước, chẳng hạn Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup), các triển lãm quốc tế, các buổi biểu diễn nhạc quốc tế, giải đua xe MotoGP…
Theo Bộ trưởng Sandiaga Uno, Indonesia không thành lập cơ quan mới để giám sát nguồn tiền của “Quỹ du lịch Indonesia”, thay vào đó giao việc quản lý quỹ này cho “Quỹ hỗ trợ giáo dục Indonesia” (LPDP) thuộc Bộ Tài chính.
Cùng với việc lập “Quỹ du lịch Indonesia”, trong cuộc họp điều phối cấp cao thúc đẩy phát triển du lịch vào hôm qua (5/12), Chính phủ Indonesia đã nhất trí phối hợp với Ngân hàng Indonesia (BI) về 8 giải pháp chiến lược phát triển bền vững “ngành công nghiệp không khói”.
Theo đó, giải pháp đầu tiên là thúc đẩy số lượng du khách nước ngoài đến thăm và chi tiêu ở Indonesia. Tiếp đó là chú trọng phát triển du lịch chất lượng tại 5 điểm đến du lịch “siêu ưu tiên”, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, thực hiện các nguyên tắc kinh tế xanh và tuần hoàn với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. 5 điểm đến “siêu ưu tiên” gồm: hồ núi lửa Toba (tỉnh Bắc Sumatra); đền Phật giáo Borobudur (tỉnh Trung Java), thị trấn Labuan Bajo (tỉnh Đông Nusa Tenggara); điểm du lịch thể thao Mandalika (tỉnh Tây Nusa Tenggara) và đảo nghỉ dưỡng Likupang (tỉnh Bắc Sulawesi).
Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường triển khai các chương trình thị thực du lịch; khuyến khích đầu tư tư nhân để phát triển du lịch tại các điểm đến “siêu ưu tiên”, du lịch thân thiện môi trường; sớm tích hợp hệ thống cấp phép tổ chức các sự kiện du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…(du lịch MICE). Ngành du lịch Indonesia cũng sẽ đẩy mạnh chương trình “Tự hào du lịch ở Indonesia” thông qua tăng cường kết nối đường bộ và đường hàng không nội địa; đưa ra các chương trình khuyến mãi, tour du lịch trọn gói để kích cầu. Bên cạnh đó là việc tăng cường quảng bá kỹ thuật số để thu hút khách du lịch nước ngoài có mức chi tiêu cao từ các thị trường tiềm năng. Giải pháp chiến lược cuối cùng là gia tăng tính bao trùm du lịch thông qua phát triển các làng du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)…
Sau thời gian điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Indonesia đang nỗ lực hồi phục và phát triển bền vững. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS), “xứ sở vạn đảo” Indonesia đã đón 9,49 triệu lượt du khách nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2023 với mức chi tiêu trung bình là 1.500 USD/khách. Chính quyền Indonesia trông đợi lượng du khách quốc tế của Indonesia có thể đạt 10 triệu người trong cả năm 2023 và ngành du lịch sẽ mang lại cho nước này hơn 14,2 tỷ USD vào năm 2024.