Theo Bộ trưởng Sandiaga Uno, sự điều chỉnh tích cực này đến từ một “động lực mạnh mẽ” có thể quan sát thấy sau đại dịch Covid-19. Những dữ liệu gần đây cho thấy có một đồ thị đi lên đầy hứa hẹn về sự phục hồi du lịch ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu từ tỷ lệ gia tăng người dân muốn đi du lịch sau đại dịch ở 2 thị trường lớn là Trung Quốc, Australia và hiện có thêm Ấn Độ.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia lưu ý cần phải tăng số lượng ghế các chuyến bay đến Indonesia để đáp ứng lượng du khách nước ngoài gia tăng. Theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia cũng đặt mục tiêu trong 5-10 năm tới sẽ thu hút tới 10 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, ông Suharso Monoarfa, kêu gọi tất cả các bên liên quan trong nước cần hợp tác để giải quyết 7 vấn đề đang cản trở sự phát triển của ngành du lịch Indonesia. Các vấn đề gồm: chất lượng môi trường thấp; quản lý còn kém tại các điểm đến du lịch; dịch vụ kém; năng lực nguồn nhân lực du lịch còn thấp; hạn chế tiếp cận giao thông đường bộ,đường biển và hàng không; thiếu đầu tư vào lĩnh vực du lịch; thiếu sự chuẩn bị ứng phó thiên tai. Theo Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, ngành du lịch tốt sẽ được thể hiện qua sự mở rộng giá trị gia tăng mà các cộng đồng địa phương nhận được, cũng như gia tăng giá trị ngoại hối qua việc tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch.
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara – nơi có Vườn quốc gia rồng Komodo được xác định là một trong 5 điểm du lịch “siêu ưu tiên” của Indonesia./.