Trong những món ăn Việt hấp dẫn du khách nước ngoài, không thể không kể tới những món ăn làm từ sợi bún, sợi phở hay sợi mỳ. Mới đây, một nữ du khách, blogger đến từ Nigeria tên Esiri Trowsse đã chia sẻ trên trang cá nhân cảm nhận của bản thân cô về những món ăn từ sợi này. Qua đó, cô cũng tự mình lựa chọn 4 món từ sợi tuyệt nhất trong ẩm thực Việt, dựa trên quan điểm cá nhân.
Dách sách 4 món ăn cô gái đưa ra đều là những cái tên nổi tiếng, bao gồm bún riêu, phở, bún bò Huế và bún chả. Song, món ăn được đánh giá là phổ biến nhất với các du khách nước ngoài, phở, lại không phải là cái tên được Esiri yêu thích nhất. Thay vào đó là bún chả.
4. BÚN RIÊU
Bún riêu là món ăn xếp thứ 4 trong danh sách của nữ du khách. Là một món ăn truyền thống của Việt Nam, song bún riêu phổ biến nhất ở khu vực Bắc Bộ. Các nguyên liệu làm ra một bán bún riêu bao gồm bún, thường là loại bún rối, sợi nhỏ, gạch cua rồi chan với nước dùng chua chua bởi vị của cà chua, giấm bỗng… Khi ăn, người ta sẽ ăn bún riêu kèm với các loại giá, rau sống.
Tuy nhiên hiện nay, để đáp ứng nhu cầu và khẩu vị đa dạng của thực khánh, món bún riêu được cải tiến, bao gồm nhiều nguyên liệu và món ăn kèm hơn. Có thể kể tới như giò, thịt bò, đậu rán, mọc… Để tăng thêm hương vị, người ta cũng có thể thêm một chút mắm tôm hoặc ớt chưng vào bát bún riêu.
Bún riêu hiện nay đã có nhiều sự cải biên so với bún riêu truyền thống.
Năm 2018, bún riêu Việt Nam từng được vinh danh trong top 21 món ăn ngon nhất thế giới, được công bố bởi chuyên trang Traveller của Australia. Kết quả này dựa trên bình chọn của thực khách, du khách trên khắp thế giới. Vì vậy có thể nói, bún riêu không chỉ được người Việt yêu thích và còn dần trở nên phổ biến với bạn bè quốc tế.
3. PHỞ
Phở được đánh giá là món ăn nổi tiếng nhất của ẩm thực Việt trong mắt các du khách nước ngoài, và cũng không ít lần cái tên phở góp mặt trong các bảng xếp hạng những món ăn ngon, đáng thử nhất trên thế giới. Thậm chí vào ngày 12/12 năm 2021, hình ảnh phở đã được quảng bá trên trang chủ Google tìm kiếm của 20 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Anh, Pháp hay Canada…, để tôn vinh, lan tỏa văn hóa Việt Nam tới công chúng quốc tế. Với Esiri, Phở được xếp thứ 3 trong danh sách những món ăn từ sợi cô cảm thấy ngon nhất.
Thành phần chính của một bát phở bò truyền thống bao gồm bánh phở, nước dùng và thịt bò thái mỏng. Khi ăn phở, tùy vào khẩu vị mà người ta sẽ thêm các gia vị như giấm, tiêu, chanh, nước mắm hay ớt, ăn kèm với hành, giá hay các loại rau thơm như rau mùi, rau húng, ngò gai…
Trong đó, linh hồn của một bát phở theo nhiều đầu bếp cũng như thực khách “sành ăn” đánh giá chính là nước phở. Nước phở phải dùng xương bò hoặc xương lợn, ninh trong thời gian dài, kèm theo nhiều loại gia vị như quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, sá sùng, đinh hương, hạt mùi hay hành khô nướng.
Ở Việt Nam, phở phổ biến được dùng để làm món ăn sáng hoặc lót dạ vào buổi đêm. Tuy nhiên giờ đây, với nhu cầu tăng cao của thực khách, phở cũng có thể được phục vụ cả ngày. Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, các thương hiệu hay cửa hàng phở Việt cũng ngày một xuất hiện nhiều hơn, phục vụ nhu cầu cho người Việt ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế.
Phở đứng thứ 3/4 trong danh sách những món ăn từ sợi tuyệt nhất đối với nữ du khách Nigeria.
2. BÚN BÒ HUẾ
Bún bò Huế được biết là món ăn đi liền với mảnh đất cố đô thơ mộng miền Trung nước ta. Ngày nay, ta có thể thưởng thức một bát bún bò Huế ngon không chỉ ở đất Huế, mà trên mọi miền đất nước.
Nguyên liệu chính trong món ăn gồm có bún sợi to, thịt bắp bò, giò heo cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả, ruốc. Ở một số nơi, tùy vào khẩu vị mà người ta cũng cho thêm chả cua, móng giò cùng các loại rau, giá hay bắp chuối cắt nhỏ.
Không chỉ có Esiri yêu thích món ăn này và dành cho nó vị trí thứ 2 trong danh sách những món Việt từ sợi cô thấy ngon nhất, mà Phúc Mập – một vlogger người Mỹ đã sinh sống tại Việt Nam 8 năm cũng chia sẻ, anh cực kỳ yêu thích bún bò Huế. Trong một chương trình truyền hình phát trên CNN, người đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain đã thốt lên: “Bún bò Huế là món ‘súp’ ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức”.
Bún bò Huế.
1. BÚN CHẢ
Đứng đầu danh sách và chính nữ du khách cũng nhận xét, đây là món ăn cô cảm thấy ngon và thích nhất, chính là một món ăn quen thuộc và cô cùng nổi tiếng ở Bắc Bộ, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, đó là bún chả.
Khác với các món từ sợi đã kể trên là phở, bún bò Huế hay bún riêu, bún chả chủ yếu được dùng vào bữa trưa. Món ăn bao gồm bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa hoặc chả thịt băm, chấm vào bát nước bắm tỏi ớt đủ vị chua cay mặn ngọt, đôi khi có cả các loại đu đủ, su hào thái lát, hay còn được gọi là dưa góp. Cái ngon của bún chả, là nằm ở cách người ta pha nước chấm, cùng với cách nướng thịt xem xém mà lại không bị khô.
Bún chả là món ăn nổi tiếng và quen thuộc ở Bắc Bộ.
Dạo quanh đường phố Hà Nội, không khó để tìm thấy một hàng bún chả. Nó có thể là quán nhỏ bán vỉa hè bên đường, nghi ngút khói quạt chả, hay ở trong một cửa hàng cao ráo, sang trọng.
Bún chả nổi tiếng và phổ biến đến nỗi, nó xuất hiện trong những tác phẩm văn học của nhiều nhà văn, nhà thơ. Có thể kể tới trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, cố nhà văn có viết về sự hấp dẫn của bún chả như sau: “…Có một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội đã ứng khẩu đọc hai câu thơ khi ngửi thấy mùi khói chả: Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long/Bún chả là đây có phải không?…”
Cũng vào năm 2016, vị Tổng thống Mỹ quyền lực, ông Barack Obama đã có chuyến thăm tới Việt Nam. Và một trong những món ăn Việt ông thưởng thức chính là bún chả. Hình ảnh ông Obama ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp, nhâm nhi suất bún chả cùng chai bia Hà Nội đã gây sốt vào thời điểm bấy giờ. Và sau khi trở về, ông Obama còn chia sẻ trên Twitter của mình: “Chiếc ghế nhựa thấp, món bún rẻ nhưng ngon tuyệt cùng bia Hà Nội mát lạnh.”
Có thể thấy, không chỉ những món ăn từ sợi như bún, phở, miến kể trên, cả nền ẩm thực Việt đa dạng và phong phú có thể chinh phục vị giác của bất kỳ du khách nước ngoài nào, kể cả những người khó tính nhất. Gordon Ramsay, bếp trưởng nổi tiếng sở hữu sao Michelin với những đầu sách nấu ăn và những nhà hàng nổi tiếng thế giới đã từng thừa nhận bị “gục ngã” bởi đồ ăn Việt Nam. Thậm chí ông còn nói rằng: “Tạ ơn Chúa là tôi không sinh ra ở Việt Nam, ở đây thì tôi chỉ là một đầu bếp tồi.”
Không chỉ là “thức quà” để chiều lòng du khách khi tới với mảnh đất hình chữ S, những món ăn Việt còn là phương tiện, giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước ta, ra xa hơn với bạn bè quốc tế.