Khẳng định Việt Nam là thị trường khách du lịch quan trọng của Malaysia, Cục xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam cho biết nước này đang lên kế hoạch khai thác các thị trường thứ cấp và tìm kiếm cơ hội từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Mekong ASEAN: Khái quát về tình hình du lịch giữa hai nước, bà có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật của Việt Nam và Malaysia về hợp tác phát triển trong lĩnh vực này?
Bà Nor Hayati Zainuddin: Việt Nam được xác định là thị trường tiềm năng của Malaysia, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và là một trong những điểm đến yêu thích của người Malaysia. Năm 2019 Việt Nam đã đón 606.206 du khách Malaysia. Người dân Malaysia cũng rất thích đến Việt Nam để tham quan và mua sắm.
Hoạt động vận tải hàng không giữa hai nước cũng rất thuận tiện với nhiều đường bay thẳng được thực hiện bởi các hãng hàng không như Malaysia Airlines, Batik Air, AirAsia, Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tổng cộng các hãng bay cung cấp 23.432 chỗ mỗi tuần trên tổng số 131 chuyến bay.
Sau khi các ngành du lịch được mở cửa trở lại, rất nhiều chuyến du lịch khảo sát, famtrip được tổ chức giữa Malaysia và Việt Nam, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch hai nước đã dần trở lại như bình thường.
Cục xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam cũng rất tích cực tham gia vào các sự kiện và lễ hội du lịch tại Việt Nam như sự kiện đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội “TP HCM – Ngôi nhà chung của chúng ta”, lễ hội Ẩm thực ASEAN, v.v…
Tháng 11/2022, tại đại hội đồng Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á lần thứ 17 diễn ra tại Quảng Ninh, đại diện Malaysia đã có cuộc gặp song phương với đại diện Việt Nam để kết nối du lịch, tăng cường hoạt động trao đổi văn hóa, và kết nối vùng di sản trong khu vực.
Việt Nam và Malaysia đang tập trung vào xúc tiến du lịch, phát triển thêm nhiều gói tour và kết nối các tuyến điểm nhằm khai thác sâu sắc hơn thị trường du lịch hai chiều.
Malaysia cũng phối hợp với nhóm Công tác Du lịch ASEAN quảng bá Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng với những điểm du lịch nổi tiếng tại Malaysia và Việt Nam để khách quốc tế có thể ghé thăm trong chuyến hành trình đến Đông Nam Á của họ.
Mekong ASEAN: Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam, bà có những chia sẻ gì?
Bà Nor Hayati Zainuddin: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó có chính sách cấp thị thực khi nhập cảnh (visa on arrival) dành cho du khách từ một số quốc gia chọn lọc và quảng bá các điểm đến trên cả nước. Những sáng kiến này góp phần tăng trưởng lượng du khách đến Việt Nam.
Lĩnh vực lưu trú của Việt Nam cũng đang trên đà hồi phục, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các loại hình lưu trú khác của Việt Nam đang chứng kiến mức tăng công suất phòng. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, bởi ngày càng nhiều du khách trở lại du lịch Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có di sản văn hóa phong phú, cảnh quan hữu tình, và ẩm thực đa dạng có thể tiếp tục là nguồn thu hút chính với du khách. Các điểm đến nổi tiếng có thể kể đến là Thủ đô Hà Nội và TP HCM, các danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long và đảo Phú Quốc. Hơn nữa, chúng tôi thấy Việt Nam có nhiều lễ hội diễn ra xuyên suốt cả năm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách quốc tế.
Mekong ASEAN: Việt Nam là một trong những thị trường nguồn khách trọng điểm của Malaysia trước Covid-19, vậy trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia sẽ có những chương trình gì để thu hút hơn nữa nguồn khách từ Việt Nam?
Bà Nor Hayati Zainuddin: Với thị trường Đông Nam Á, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia mong muốn truyền tải sự đa dạng của các sản phẩm du lịch Malaysia, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu tại địa phương của du khách, và thu hút du khách quay trở lại.
Việt Nam là một trong 10 thị trường hàng đầu về lượng khách du lịch đến Malaysia. Thời điểm trước dịch năm 2019, Malaysia đã đón khoảng 400.346 lượt khách từ Việt Nam. Đến năm 2022, Malaysia ghi nhận đón 170.763 du khách Việt Nam.
Sau đại dịch, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia đang tập trung vào du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và di sản. Mục tiêu của Cục đặt ra là gia tăng nguồn khách từ Việt Nam, khuyến khích khách du lịch quay trở lại và phát triển các thị trường có tiềm năng mở rộng.
Cục cũng lên kế hoạch khai thác thị trường thứ cấp, tìm kiếm cơ hội từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam và thu hút nguồn khách từ các tỉnh này đến du lịch Malaysia với chi phí hợp lý.
Về kế hoạch thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước trong năm này, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương với Việt Nam, vì 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam.
Trong năm nay, Malaysia đặt chỉ tiêu đón 16,1 triệu lượt khách quốc tế với 49,2 tỷ doanh thu du lịch. Để đạt mục tiêu đó, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia sẽ làm việc chặt chẽ với các công ty du lịch và hãng hàng không tại Việt Nam và đặt chỉ tiêu thu hút 300.000 lượt khách tại thị trường Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, Cục sẽ tổ chức các tuyến du lịch khảo sát và cập nhật sản phẩm cho các công ty du lịch và truyền thông. Bên cạnh đó đẩy mạnh quảng bá và hợp tác với công ty du lịch địa phương, đại lý du lịch trực tuyến OTA và hãng hàng không để phát triển các gói du lịch đến Malaysia, bao gồm cả các loại hình du lịch hội họp, khen thưởng, hội nghị và triển lãm (MICE).
Cục cũng sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường kết nối đường bay giữa Malaysia và Việt Nam bằng cách phối hợp với các hãng hàng không. Bên cạnh đó lên kế hoạch mang các đại biểu Malaysia đến những thành phố khác nhau của Việt Nam như Hải Phòng, Thanh Hóa và Nha Trang để khám phá các thị trường này và làm việc với các hiệp hội du lịch và lữ hành tại đây, nhằm thu hút thêm nhiều du khách đến Malaysia cũng như kiến tạo thêm các hoạt động giao thương.
Mekong ASEAN: Cục Xúc tiến Du lịch đang có những chương trình gì nhằm hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của hai nước?
Bà Nor Hayati Zainuddin: Về các hoạt động hợp tác kết nối các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của hai nước, Cục sẽ xúc tiến các chiến dịch marketing kết hợp, thực hiện các chuyến du lịch khảo sát, chương trình giao thương, triển lãm và chương trình tập huấn cho doanh nghiệp hai bên.
Các chiến dịch marketing kết hợp sẽ bao gồm ưu đãi giảm giá, các gói tour du lịch để thu hút du khách. Các tour du lịch khảo sát sẽ đưa các đơn vị lữ hành đến Malaysia để trực tiếp trải nghiệm sản phẩm du lịch, còn hoạt động triển lãm và giao thương mở ra cơ hội kết nối mới.
Cục cũng sẽ cung cấp các khóa tập huấn để các chuyên gia trong ngành du lịch được trang bị đầy đủ thông tin từ đó quảng bá sản phẩm du lịch Malaysia ngày càng tốt hơn.
Mekong ASEAN: Với những thành tựu ngành du lịch Malaysia đã đạt được trong năm 2022, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch quốc tế của Malaysia?
Bà Nor Hayati Zainuddin: Malaysia vẫn luôn nỗ lực để cải thiện chất lượng sản phẩm, cơ sở vật chất và nhân lực để khôi phục ngành du lịch sau đại dịch với các chương trình tập huấn và tái tập huấn cho nhân sự của ngành. Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng có thêm các chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng cho các doanh nghiệp và lao động trong ngành công nghiệp này.
Maylaysia cũng đẩy mạnh nhiều chiến dịch cùng với các đơn vị trong ngành du lịch và các hãng hàng không quốc tế tại thị trường hải ngoại, góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch đến Malaysia.
Gian hàng của Cục xúc tiến Du lịch Malaysia tại Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2023 Hà Nội từ ngày 13-16/4/2023. Ảnh: Thảo Ngân |
Ngành du lịch Malaysia định hướng tập trung phát triển chất lượng, bởi hiện nay sự dịch chuyển nhu cầu từ du lịch đại chúng sang du lịch chất lượng đang là xu hướng. Du khách có ý thức và thận trọng hơn, không chỉ về vấn đề sức khỏe và an toàn mà còn về sức ảnh hưởng mà lựa chọn của họ tác động lên môi trường.