Ông Yoshida Kenji: Chính phủ, Tổng cục Du lịch (JTA), Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) chủ trương thực hiện các hoạt động thu hút khách du lịch nước ngoài tới Nhật Bản. Cụ thể, ngân sách năm tài chính 2023 của Tổng cục Du lịch được công bố là 31,4 tỷ Yên, tăng 40% so với năm trước. Mục đích chính của việc tăng ngân sách này là “Củng cố nền tảng để khôi phục các hoạt động du lịch quốc gia” và “Hành động chiến lược hướng tới việc khôi phục du lịch inbound”.
Để khôi phục du lịch inbound, ngân sách quảng bá du lịch Nhật Bản được công bố là 12 tỷ 356 triệu Yên, tăng 1,9 lần so với năm ngoái. Chúng tôi tiến hành nhiều hoạt động quảng bá nhằm thu hút khách tới các địa phương và tăng mức chi tiêu; như triển khai quảng cáo hướng tới khách inbound hay tăng cường nền tảng marketing kỹ thuật số.
PV: Theo ông, những loại hình du lịch nào sẽ hấp dẫn du khách trong năm 2023?
Ông Yoshida Kenji: Phương châm của JNTO là tập trung vào những trụ cột của du lịch inbound như “du lịch bền vững” vốn đang là trào lưu trên thế giới hiện nay, “du lịch mang lại giá trị gia tăng cao” có thể góp phần làm gia tăng mức chi tiêu du lịch, hay “du lịch mạo hiểm” dựa trên xu thế ngày càng có nhiều người yêu thích và tìm đến thiên nhiên. Chúng tôi cũng sẽ tập trung thu hút khách du lịch MICE.
PV: Vậy chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch có cần thay đổi sau đại dịch Covid-19?
Ông Yoshida Kenji: Chúng tôi tiến hành quảng bá du lịch không chỉ đặt mục tiêu vào số lượng khách, mà hướng vào “gia tăng mức chi tiêu”, “thu hút khách tới các địa phương” và “giao lưu với văn hóa bản địa”.
Chúng tôi đang thực hiện “Chiến lược phục hồi du lịch inbound”, trong đó cung cấp những trải nghiệm đặc biệt và tổ chức các sự kiện không chỉ ở những thành phố lớn mà còn tại vùng nông thôn. “Dự án tái khởi động du lịch” nhằm lan tỏa sức hấp dẫn của các địa phương tại Nhật Bản đến với thế giới, và toàn bộ cơ quan liên quan sẽ huy động tất cả nguồn lực cho các chương trình hành động.
Nhìn vào việc thực hiện chỉ tiêu du lịch inbound tại Nhật Bản năm 2019 trước COVID-19, tỷ lệ đạt được về lượng khách là khoảng 80%, trong khi tỷ lệ đạt về mức tiêu dùng và thu hút khách du lịch về vùng nông thôn chỉ khoảng 60%. Vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực mở rộng tiêu dùng từ khách inbound và đẩy mạnh thu hút khách tới các địa phương.
Để thực hiện mục tiêu này, điều quan trọng là phải tăng số lượng du khách có sức chi trả cao và mức tiêu thụ lớn, đồng thời chúng tôi sẽ thúc đẩy việc tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao tại các địa phương.
PV: Nhật Bản chọn những thị trường nào là trọng tâm? Làm thế nào để nghiên cứu thị hiếu của du khách sau đại dịch Covid-19?
Ông Yoshida Kenji: JNTO đặt ra 22 thị trường trọng điểm trong đó có Việt Nam. Các bộ phận marketing chuyên sâu tại Tổng bộ JNTO tiến hành những khảo sát thị trường tổng thể trên toàn thế giới để điều tra những mối quan tâm của khách du lịch. Tại mỗi thị trường, văn phòng đại diện tại nước ngoài như chúng tôi cũng tập hợp những đặc tính của thị trường và sử dụng những công cụ như các kênh mạng xã hội.
PV: Mục tiêu JNTO đặt ra cho thị trường Việt Nam năm 2023 là gì, và JNTO có kế hoạch gì để thúc đẩy du lịch giữa hai nước?
Ông Yoshida Kenji: Năm 2023 là năm đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Chúng tôi dự định tiến hành nhiều hoạt động quảng bá khác nhau với Đại sứ thiện chí Du lịch Nhật Bản là “Gia đình Nhi Thắng”, cũng như hỗ trợ các công ty du lịch để khôi phục lượng khách về mức trước dịch Covid-19 là 500.000 người Việt Nam tới Nhật Bản.
Với việc gia tăng lượng khách Việt Nam tới Nhật Bản thông qua những nỗ lực như vậy, chúng tôi cũng đóng góp vào sự phát triển du lịch hai chiều bằng việc xúc tiến đẩy mạnh giao lưu nhân dân, khôi phục các chuyến bay, mở đường bay mới giữa hai nước, cũng như tích cực liên kết để tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
PV: Xin cảm ơn ông./.