Số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục tăng cao khiến nhiều nước trên thế giới siết chặt các biện pháp phòng dịch, người dân bị cấm rời khỏi nơi cư trú, hạn chế ra đường, nếu không có việc gì cấp bách. Vì vậy, các địa điểm du lịch trên thế giới vốn đông đúc nay trở nên không bóng người qua lại.
Không còn cảnh quá tải
Nếu như trước đây những danh thắng nổi tiếng thế giới như: Venice – thành phố nằm dọc theo biển Adriatic, miền Bắc Italia; “kinh đô ánh sáng” Paris – thủ đô của nước Pháp; khu vực thánh địa Machu Picchu, thành cổ trên núi của người Inca ở Peru; những bãi biển xinh đẹp ở Thái Lan… luôn quá tải du khách thì giờ đây do sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, các danh thắng này đều đang rơi vào tình cảnh đìu hiu.
Nhắc tới “quá tải du lịch”, Venice có lẽ là một trong những địa điểm đứng đầu danh sách. Trong những năm gần đây, nhiều quy định mới đã được thiết lập để đối phó với tình trạng khách du lịch không ngừng gia tăng như cấm mở mới các khách sạn, trung tâm ăn uống. Tuy nhiên, do miền Bắc Italia là một trong những khu vực đầu tiên của châu Âu bùng phát Covid-19 dẫn đến việc thành phố Venice bị phong tỏa, bắt đầu những ngày hầu như không có du khách. Theo nghiên cứu của một công ty tư vấn tuyển dụng vừa được công bố cho thấy lượng du khách đến thăm thành phố này giảm 59,5% cả năm.
Cũng tương tự như Venice, với lợi thế bờ biển và những công trình kiến trúc do Gaudi thiết kế, Barcelona của Tây Ban Nha là một điểm đến ưa thích của du khách quốc tế. Trong những năm gần đây, tình trạng quá tải du lịch cũng trở thành một vấn đề khiến người dân và chính quyền phải “đau đầu”. Trước đại dịch, thành phố đã triển khai một loạt các biện pháp để đối phó với quá tải du lịch như hạn chế số cơ sở cư trú, áp dụng thuế du lịch, khuyến khích du khách tham quan một số địa điểm lân cận nhằm giảm tải cho khu phố cổ… Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến lượng khách đặt phòng khách sạn tại đây giảm từ mức 8,5 triệu lượt trong năm 2019 xuống còn 1,8 triệu lượt trong năm 2020. Một số khách sạn còn hoạt động đã phải chuyển thành địa điểm lưu trú cho những người làm việc từ xa hoặc giảm giá lưu trú dài hạn cho họ để cạnh tranh với các nhà trọ truyền thống.
Còn với “kinh đô ánh sáng” Paris, thống kê cho thấy lượng khách du lịch đến thành phố này trong năm 2020 đã giảm tới 66%, khiến doanh thu sụt giảm tới 12,1 tỉ euro (14,5 tỉ USD) so với năm 2019. Lượng khách tham quan bảo tàng lớn nhất thế giới Louvre trong năm vừa qua cũng giảm 72% so với năm 2019. Giám đốc Công ty tư vấn du lịch Protourisme, ông Didier Arino cho biết, Paris đang bắt đầu năm 2021 trong bối cảnh các hoạt động bị đình trệ ít nhất 3 tháng, thậm chí còn kéo dài hơn.
Vẫn phải chờ
Machu Picchu là thành phố cổ của người Inca luôn nằm trong danh sách phải đến của nhiều du khách. Tuy nhiên, phần lớn năm 2020, danh thắng nổi tiếng nhất Peru đã phải đóng cửa do lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19. Khoảng 80% các công ty du lịch hoạt động ở khu vực thánh địa Machu Picchu vẫn đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”, khiến kinh tế nơi đây rơi vào trì trệ. Thị trưởng Darwin Baca cho rằng hoạt động du lịch của thành phố sẽ không thể trở lại bình thường cho đến ít nhất năm 2022, tùy vào sự thành công của các chương trình tiêm vắcxin ngừa Covid-19.
Du lịch Thái Lan từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều khách du lịch, đặc biệt Thái Lan nổi tiếng với những bãi biển với bờ cát trắng trải dài luôn chật kín du khách, nhưng giờ đây vẫn đang trong tình trạng đình trệ. Ngày 15.1, Ủy ban Chính sách Du lịch quốc gia Thái Lan đã chính thức phê chuẩn đề xuất quy định về việc thu một khoản phí du lịch đối với mỗi du khách nước ngoài tới thăm Thái Lan. Theo đó, bắt đầu từ năm nay, du khách nước ngoài khi đến Thái Lan sẽ phải nộp khoản phí du lịch 300 baht. Khoản phí này sẽ dùng để quản lý các điểm du lịch địa phương và mua bảo hiểm cho du khách nước ngoài. Trong khoản phí trên sẽ có 34 baht dành để mua bảo hiểm cho du khách giúp họ khi đau ốm hay bị thương sẽ được chăm sóc y tế đầy đủ. Theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn, việc thu phí du lịch trên đáng lẽ ra được tiến hành từ đầu năm ngoái, nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.
Bất chấp việc chính phủ Thái Lan đã nỗ lực khởi động chương trình cấp thị thực du lịch đặc biệt cho du khách, nhưng số khách du lịch vẫn không được cải thiện là bao. Với làn sóng dịch thứ hai đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là trong những tháng mùa đông khiến nhiều nơi phải áp đặt lệnh phong tỏa, Thái Lan có thể sẽ phải chờ đợi lâu hơn, ít nhất là nửa cuối năm nay, để đón tiếp thêm du khách quay trở lại, từ đó giúp phần nào khôi phục ngành công nghiệp du lịch của nước này. Ngân hàng Krungsi ước tính nước này có thể phải mất từ 2 – 3 năm mới có thể phục hồi ngành du lịch như trước đại dịch Covid-19.