Ngày 26/5, “bong bóng du lịch” Singapore-Hong Kong lần thứ ba “lỗi hẹn”do sự phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19.
“Bong bóng du lịch” được hiểu là hành lang đi lại an toàn không cần cách ly, về cơ bản là cơ chế hai hoặc nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ kiểm soát được dịch cho phép người dân đi sang lãnh thổ của nhau với những hạn chế tối thiểu. “Bong bóng du lịch” Singapore – Hong Kong được đánh giá là phiên bản toàn diện nhất của cơ chế này khi loại bỏ hoàn toàn quy định cách ly bắt buộc, áp dụng đối với toàn bộ người dân và không có hạn chế đối với hoạt động của họ khi ở nước ngoài, chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Từng là hai địa điểm được đánh giá kiểm soát khá tốt dịch COVID-19, Singapore và Hong Kong tham vọng dẫn đầu một mô hình nếu thành công có thể mở ra “lối thoát” hồi sinh ngành du lịch quốc tế ngay cả khi các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa thể triển khai toàn diện tiêm chủng cộng đồng. Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung từng hy vọng: “Nếu chúng tôi có thể chứng minh cho thế giới thấy một sự thành công, đây sẽ trở thành một điểm tham chiếu tốt để những nơi khác có thể xem xét áp dụng”. Năm 2020 được coi là “năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành du lịch toàn cầu” khi lượng khách du lịch quốc tế giảm 1 tỷ lượt người (74%). Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho ngành trên 1,3 nghìn tỷ USD, cao gấp 11 lần mức thua lỗ được ghi nhận trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do đó, không mấy ngạc nhiên khi “bong bóng du lịch” Singapore-Hong Kong được các nước đặc biệt quan tâm.
Lẽ ra “bong bóng du lịch” Singapore-Hong Kong là mô hình đẩu tiên được triển khai trên thế giới. Giữa tháng 10/2020, Singapore và Hong Kong đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập “bong bóng du lịch hàng không” toàn diện đầu tiên trên thế giới, cho phép một lượng giới hạn người dân (có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2) di chuyển giữa hai nơi mỗi ngày, mà không phải cách ly để phòng dịch. Giai đoạn đầu thực hiện thỏa thuận sẽ được tiến hành thận trọng với chỉ một chuyến bay mỗi ngày cho mỗi bên và chở tối đa 200 hành khách trong vòng 2 tuần đầu tiên. Thông báo mở lại hành lang du lịch nêu trên ngay lập tức tạo cú hích cho ngành du lịch và hàng không của mỗi bên. Thống kê của công ty du lịch Expedia cho biết lượng tìm kiếm trực tuyến liên quan tới du lịch của người dân tại Hong Kong đã tăng gấp 4 lần sau khi kế hoạch “bong bóng du lịch” được công bố. Kế hoạch này cũng khiến giá vé hàng không tăng vọt hơn 50%, đẩy giá cổ phiếu của hãng hàng không Cathay Pacific (Hong Kong) tăng 7% và Singapore Airlines (Singapore) tăng 1,15%.
Trên thực tế, Singapore và Hong Kong có nhiều lợi thế khi bắt tay nhau. Cả hai đều có diện tích nhỏ, với một cửa ngõ nhập cảnh duy nhất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy vết. Quan trọng nhất, thời điểm công bố kế hoạch, tình hình dịch ở cả hai bên đều ở mức kiểm soát tốt. Một điều quan trọng khác nữa là hai bên thiết lập được niềm tin đối với chương trình xét nghiệm của nhau, một điều kiện được giới chuyên gia đánh giá là “căn bản” khi muốn thiết lập “bong bóng du lịch”.
Tuy nhiên, chỉ 1 ngày trước thời điểm bắt đầu triển khai kế hoạch, được ấn định là vào ngày 22/11/2020, hai bên phải quyết định hoãn “mở cửa” 2 tuần trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở Hong Kong tăng cao mỗi ngày, quay trở lại mức cao nhất trong 3 tháng. Tiếp đó, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư tại Hong Kong khiến mô hình “bong bóng du lịch” đầu tiên trên thế giới vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngày 1/12, Singapore và Hong Kong tiếp tục lùi thời điểm triển khai “bong bóng du lịch” giữa hai bên đến năm 2021.
Hơn 4 tháng sau, khi Hong Kong đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hai bên quyết định thỏa thuận đi lại “bong bóng du lịch hàng không” sẽ được khởi động lại từ ngày 26/5/2021. Kỳ vọng của Singapore trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên thiết lập được bong bóng du lịch với một điểm đến ở châu Á cuối cùng vẫn chưa thể trở thành hiện thực khi đầu tháng 5, số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng trở lại ở mức cao nhất theo ngày trong vòng 1 năm qua, mà ổ dịch lớn nhất chính là sân bay quốc tế Changi.
Ba lần trì hoãn triển khai “bong bóng du lịch” Singapore-Hong Kong là một lời nhắc nhở không mới nhưng cấp thiết về những khó khăn của việc phục hồi kinh tế và khôi phục một cuộc sống “bình thường” trong bối cảnh đại dịch – một bài toán mà rất nhiều nước đều đang phải đau đầu tìm lời giải. Chính Bộ trưởng Ong Ye Kung thừa nhận trên trang Facebook cá nhân: “Đây là một lời nhắc nhở tỉnh táo rằng COVID-19 vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và trong khi chúng ta cố gắng để giành lại một cuộc sống bình thường, hành trình này sẽ không thiếu những thử thách”.
Không chỉ Singapore-Hong Kong, hồi tháng 4, New Zealand đã phải ngừng “bong bóng du lịch” với nước láng giềng Australia chỉ 5 ngày sau khi khởi động do tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương phát hiện các ca mắc mới. Đầu tháng này, Malaysia cũng tạm dừng chương trình “bong bóng du lịch” trong nước, vốn được khởi động cuối năm ngoái nhằm hỗ trợ ngành “công nghiệp không khói” bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, khi mà số ca nhiễm mới ở quốc gia Đông Nam Á liên tiếp ghi nhận những con số cao nhất từ trước tới nay, ở thời điểm hiện nay là hơn 7.200 ca một ngày.
Đánh giá việc “bong bóng du lịch” Singapore-Hong Kong liên tục gặp trục trặc, nhà phân tích Shukor Yusof của công ty tư vấn hàng không Endau Analytics, cho rằng mô hình “bong bóng du lịch” tiềm ẩn nhiều thách thức. Theo ông, “các hành lang kiểu này không phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Không có giải pháp nào cho đến khi có vaccine cho tất cả mọi người”.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán về “bong bóng du lịch” phức tạp và mất nhiều thời gian hơn dự tính. Giới chức hai bên đã thừa nhận công tác chuẩn bị bao gồm những chi tiết phức tạp, chẳng hạn như làm thế nào để hoán đổi thời gian cách ly với xét nghiệm, tìm ra các tiêu chuẩn kiểm tra được cả hai bên chấp nhận và chỉ định các phòng thí nghiệm cấp giấy chứng nhận xét nghiệm phù hợp.
Dù vậy, mô hình Singapore- Hong Kong vẫn được đánh giá là cung cấp một khung quy định cơ bản khá đáng tin cậy cho cơ chế “bong bóng du lịch”. Thứ nhất, các quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia phải có tỷ lệ lây nhiễm thấp và ở mức độ tương đồng; qua đó đảm bảo người đi lại sẽ không phải đối diện nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở điểm đến so với quê nhà. Thứ hai, phải xây dựng được quy định xét nghiệm chung được các bên tin tưởng. Trong trường hợp của Singapore-Hong Kong, người đi lại phải được xét nghiệm không quá 72 giờ trước khi khởi hành và một lần nữa khi đến nơi. Thứ ba là một hệ thống truy dấu mạnh có khả năng truy vết những cụm lây nhiễm mới từ nước nào nếu xảy ra kịch bản bùng phát. Thứ tư là một cơ chế để đóng cửa bong bóng ngay khi số ca nhiễm bắt đầu tăng. Singapore và Hong Kong đã nhất trí kế hoạch này sẽ phải hoãn lại 2 tuần nếu số lượng ca nhiễm không thể truy vết trung bình 7 ngày tại một trong hai nơi vượt quá 5.
Dự kiến, thông báo tiếp theo về kế hoạch “bong bóng du lịch” Singapore -Hong Kong sẽ được công bố vào ngày 13/6, khi giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng dịch của Singapore kết thúc.
Về lâu dài, giới chuyên gia vẫn cho rằng hy vọng tốt nhất của du lịch và đi lại quốc tế là tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện chưa thể nói trước thế giới cần bao lâu để đạt được mức độ tiêm chủng cộng đồng đủ đảm bảo đi lại an toàn giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong thời gian này, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch vẫn có thể đánh giá “bong bóng du lịch” là một giải pháp đáng thử.
Trong kịch bản này, các chuyên gia khuyến nghị việc mở “bong bóng du lịch” có thể kết hợp với tiêm chủng, như trong trường hợp của Hong Kong, giới chức đặc khu đã yêu cầu người dân chủng ngừa ít nhất 14 ngày trước khi sang Singapore. Mô hình “bong bóng du lịch” trong tương lai có thể yêu cầu khách nhập cảnh xuất trình hộ chiếu vaccine. Dù trong bất kỳ tình huống nào, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo việc triển khai mô hình này cần hết sức thận trọng, không thổi phồng “bong bóng du lịch” quá nhanh để tránh nguy cơ “nổ bong bóng” kéo theo những đợt bùng phát lây nhiễm khó kiểm soát.