Theo trang Investment Monitor, ngành du lịch thế giới từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng cách tiếp cận bền vững trong lĩnh vực này có thể thu hút mức đầu tư cao hơn trong tương lai.
Du lịch sau đại dịch Covid-19 mang thông điệp bền vững hơn. Ảnh: Bob Henry/UCG/Universal Images Group qua Getty Images
Không thể phủ nhận du lịch mang lại nhiều lợi ích, trong đó đáng kể nhất là tiềm năng to lớn trong việc đóng góp vào tiến bộ kinh tế, tạo cơ hội việc làm và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến du lịch trong suốt 3 năm qua, khiến ngành du lịch trở thành một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì lý do này, nhu cầu cấp thiết là phải xác định lại cơ hội đầu tư cho du lịch. Và điều này có thể được thực hiện thông qua việc thúc đẩy đầu tư bền vững vào lĩnh vực này.
Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) thuộc Liên hợp quốc định nghĩa du lịch bền vững là “du lịch có tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết nhu cầu của du khách, ngành công nghiệp, môi trường và cộng đồng sở tại. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua vào năm 2015, xác định rõ du lịch bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới việc đưa du lịch vào quá trình phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm cũng như bảo tồn các hệ sinh thái biển.
Lộ trình hướng tới du lịch bền vững
Phát triển chiến lược du lịch bền vững là bước đầu tiên hướng tới tạo cơ hội đầu tư bền vững vào du lịch. Khi làm như vậy, cần có sự đánh giá toàn diện về tác động của du lịch đối với các khía cạnh môi trường và xã hội của một khu vực cùng với việc phân tích các lợi ích kinh tế của khu vực đó.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất gần đây đã đưa ra Chiến lược Du lịch Quốc gia 2031, nằm trong “Dự án 50” nhằm mục đích củng cố hơn nữa vị thế của UAE như một trong những điểm đến du lịch tốt nhất trên thế giới vào năm 2031 thông qua việc đưa du lịch trở thành một lĩnh vực quan trọng, đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội của đất nước, thu hút đầu tư du lịch trị giá hàng tỷ dirham và chào đón hàng triệu khách lưu trú tại khách sạn.
Quốc gia này tập trung vào 4 định hướng chính: củng cố bản sắc du lịch quốc gia; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc sắc; xây dựng năng lực du lịch và khuyến khích sự đóng góp của cán bộ nhà nước trong lĩnh vực du lịch; cũng như tăng cường đầu tư vào tất cả các lĩnh vực du lịch. Tất cả đều cung cấp một khuôn khổ để có thể đạt được tốt nhất các mục tiêu của đất nước trong việc hỗ trợ phát triển du lịch dài hạn.
Như đã nêu trong Chiến lược Du lịch Quốc gia UAE năm 2031, khuyến khích đầu tư tư nhân là động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch bền vững. Thông qua việc cung cấp các ưu đãi về thuế, trợ cấp và các ưu đãi tài chính khác, chính phủ có thể giúp khuyến khích các công ty tư nhân cam kết đầu tư phù hợp với mục tiêu du lịch bền vững, chẳng hạn như đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý nước và chất thải cũng như cơ sở hạ tầng giao thông.
Vai trò của cộng đồng địa phương
Là đối tượng chính nhận ra các tác động môi trường và xã hội tiềm ẩn của các hoạt động du lịch, cộng đồng địa phương sẽ có những đóng góp vô giá vào du lịch bền vững. Du lịch cộng đồng đã và đang có chỗ đứng ở nhiều quốc gia, chứng tỏ rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc lập kế hoạch, phát triển và quản lý các hoạt động du lịch là rất cần thiết để đảm bảo du lịch mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Do đó, việc thúc đẩy các sáng kiến du lịch cộng đồng là vô cùng quan trọng. UNWTO đã thông qua giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thuộc Chương trình Du lịch Phát triển Nông thôn, hướng đến công nhận các ngôi làng trên khắp thế giới có các dự án và hoạt động dựa vào du lịch không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững.
Đầu năm 2023, tổ chức này đã tổ chức lễ trao giải đầu tiên cho 32 ngôi làng tại 18 quốc gia được ca ngợi là ‘Những ngôi làng du lịch tốt nhất’.
Đầu tư vào du lịch bền vững thực sự có thể mang lại cả lợi ích tài chính lẫn lợi ích xã hội và môi trường. Tuy nhiên, quá trình tiến hành cần nghiên cứu kỹ lưỡng và thẩm định trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.
Trạng thái ‘bình thường mới’ do đại dịch Covid-19 mang lại, đặc biệt là đối với ngành du lịch, đòi hỏi phải có sự thay đổi mô hình trong bối cảnh đầu tư du lịch. Giờ đây, hơn bao giờ hết, tất cả các bên liên quan đến du lịch nên chung tay xây dựng một ngành du lịch có khả năng phục hồi và phát triển bền vững hơn./.