Tên gọi của chiến lược “SMILE” được tạo thành từ các chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của năm mục tiêu trong chiến lược.
Các mục tiêu này bao gồm S – Bền vững (Sustainability) với chiến lược phát triển xanh
, thân thiện môi trường; M – Nguồn nhân lực (Manpower) với mục tiêu nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế; I – Kinh tế bao trùm (Inclusive Economic) bảo đảm tất cả các khu vực kinh tế đều tham gia phát triển ngành du lịch; L – Bản địa hóa (Localisation) trong đó đưa nét độc đáo của mỗi cộng đồng làm điểm thu hút du lịch; E – Hệ sinh thái (Ecosystem) tập trung thúc đẩy du lịch và môi trường địa phương) và S – Sáng tạo xã hội (Social Innovation).
Theo Thủ tướng Prayut, Chiến lược “SMILE” sẽ giúp cải thiện bền vững ngành du lịch của Thái Lan và bảo đảm rằng nước này thích ứng với sự thay đổi của thế giới về mọi khía cạnh. Đây cũng là bước đệm để Thái Lan hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh, điều sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Tại buổi lễ, ông Prayut cũng kêu gọi các thành viên trong ngành công nghiệp du lịch Thái Lan cùng đóng góp sáng kiến cho chiến lược du lịch Thái Lan. Ông cho rằng, đây là một cơ hội quan trọng để xác định tương lai cho ngành du lịch Thái Lan. Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp thu, cân nhắc các ý kiến và sẽ thực hiện ngay những gì có thể làm được nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này trở thành động lực quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan muốn nâng mức đóng góp của ngành du lịch cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức 20% trước đại dịch Covid-19 lên 30% vào năm 2030. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo nước này sẽ đón khoảng 7-10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay sau khi các biện pháp kiểm dịch được dỡ bỏ vào tháng trước.