Tại điểm cầu Nhật Bản có ông Tatsuya Kondo, Giám đốc Điều hành điều hành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Nhật Bản Medical Excellence JAPAN (MEJ); đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch y tế phát triển vô cùng mạnh mẽ như một ngành công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ở lục địa châu Á, du lịch y tế đang mở rộng nhanh chóng. Nhật Bản với nhiều ưu thế vượt trội của khoa học, kỹ thuật, sự tận tâm, trình độ y khoa đã trở thành điểm đến của nhiều người bệnh muốn tìm kiếm các dịch vụ có chất lượng cao, trong đó có những người bệnh từ Việt Nam. Uớc tính, mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỷ USD ra nước ngoài để khám, chữa bệnh, trong đó chủ yếu là các bệnh như ung thư, tim mạch…
Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, năm 2020 đã trở thành một năm tồi tệ với hầu hết quốc gia trên toàn cầu. Nhiều quốc gia bị phong tỏa, hệ thống y tế quá tải, nhiều nơi kiệt quệ. Số mắc và số tử vong do COVID-19 ở mức kinh hoàng. Du lịch gần như bị đóng băng, các chuyến bay thương mại bị hạn chế hoặc cấm bay, người dân bị hạn chế đi lại, các dịch vụ không thiết yếu bị cấm… Những điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất và sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần của người dân. Nhiều người bị các bệnh mạn tính đã ít hoặc không được chăm sóc, dẫn tới các hậu quả nặng nề do cả hệ thống y tế đã tập trung nguồn lực cho điều trị COVID.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã đầu tư và tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống và điều trị người mắc COVID-19, trong đó có nhiều người nước ngoài. “Rất vinh dự và may mắn, Việt Nam đã được các bạn bè quốc tế đánh giá rất cao về phòng chống dịch. Việt Nam là nước vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức dương”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nói.
Trở thành một điểm sáng thành công về phòng ngừa, ngăn chặn và chiến thắng đại dịch COVID-19, Việt Nam được cả thế giới chú ý, ngành Y tế Việt Nam cũng bước lên một nấc thang mới – sánh vai các quốc gia có nền y học phát triển. Ngành Y tế Việt Nam đã cứu chữa những ca bệnh rất nặng như ca bệnh số 91. Ngành Y tế đã áp dụng các giải pháp khó khăn, phức tạp nhất, trong đó có tính đến giải pháp ghép phổi để cứu chữa người bệnh. Với thành công trong điều trị COVID-19, đội ngũ y bác sỹ Việt Nam đã được các bạn bè quốc tế đánh giá cao. Điều này đã mở ra cơ hội cho thị trường du lịch y tế tại Việt Nam.
Không chỉ điều trị COVID-19, Việt Nam rất tự hào về nền y học cổ truyền lâu đời từ hàng nghìn năm nay. Kỹ thuật châm cứu của Việt Nam đã được đào tạo và sử dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt châu Mỹ La tinh, các nước như Mexico, Cu Ba… Ngày nay, chất lượng khám, chữa bệnh ở Việt Nam từng bước được nâng cao, chi phí thấp hơn các nước tiên tiến. Năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh.
Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu điều trị các bệnh về da, viêm phổi, viêm phế quản, chấn thương do tai nạn giao thông, gãy xương, khám sức khỏe, sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch…
Chất lượng bệnh viện tại Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt trong vòng 5 năm gần đây. Một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tư nhân tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, trung tâm du lịch đã và đang được đầu tư trang thiết bị y tế ngang tầm với khu vực và thế giới. Khoảng 50 bệnh viện đã đạt chất lượng tốt theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Hiện, cả nước đã có 4 bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng của Hoa Kỳ (JCI – Joint Commission International).
Bộ mặt của nhiều bệnh viện có sự thay đổi tích cực; các bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, đào tạo bài bản, làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới (sử dụng robot, phẫu thuật nội soi, ghép tạng,…); cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu người bệnh; phương pháp điều trị cổ truyền như châm cứu được truyền bá rộng rãi trên thế giới… Việt Nam đã có những mô hình hợp tác giữa công – tư và với các nước ngoài trong điều trị ung bướu như Bệnh viện Gia An 115 hợp tác với Bệnh viện K và với các bệnh viện Nhật Bản về chuyển giao công nghệ, tìm kiếm đối tác để phối hợp đưa người bệnh qua điều trị… “Đây là tiềm năng rất lớn trong việc đưa những người bệnh mạn tính của Nhật Bản sang nghỉ dưỡng, kết hợp điều trị tại Việt Nam như những người bệnh hồi phục sau khi mắc COVID-19 cần vật lý trị liệu, những người bệnh ung thư… Các bệnh viện sẵn sàng hợp tác”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Đáng chú ý, mặc dù chi phí dịch vụ y tế (kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ, nội soi, ung bướu, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm,…) tại Việt Nam có giá thành thấp hơn so với nhiều nước, nhưng hiệu quả về kinh tế y tế đối với người bệnh lại cao hơn các kỹ thuật tương tự được thực hiện ở nhiều nước phát triển.
Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang xây dựng Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” với mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh. Dự kiến, Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, trong tương lai hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam sẽ có thêm nhiều trung tâm điều trị chất lượng cao phục vụ người Việt Nam, đồng thời thu hút người nước ngoài, đặc biệt từ các bạn Nhật Bản trong lĩnh vực du lịch y tế.