Đáng chú ý, 70% các điểm đến ở châu Á và Thái Bình Dương vẫn đóng cửa hoàn toàn, so với chỉ 13% ở châu Âu, 20% ở châu Mỹ, 19% ở châu Phi và 31% ở Trung Đông. Việc khởi động và phục hồi du lịch toàn cầu vẫn sẽ gặp khó khăn nếu các chính phủ tiếp tục khuyến cáo thận trọng.
Có tới 4 trong số 10 thị trường nguồn hàng đầu của du lịch thế giới vẫn khuyến cáo công dân của họ không nên đi du lịch nước ngoài, đồng thời áp dụng cách ly bắt buộc bất kể họ trở về từ quốc gia nào. Năm 2018, 4 thị trường này tạo ra 25% tổng lượng khách du lịch quốc tế.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Các chính phủ giữ vai trò quan trọng nhất trong việc phục hồi du lịch, thông qua hợp tác, chia sẻ dữ liệu và các giải pháp số”. Các chính phủ có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào, về việc nới lỏng, điều chỉnh hoặc thắt chặt các hạn chế đi lại. Điều này là thách thức lớn với ngành du lịch, trong bối cảnh các thủ tục nhập cảnh rất phức tạp và khác biệt giữa các quốc gia như hiện nay.
UNWTO cho rằng, thay vì liên tục thay đổi chính sách, điều quan trọng nhất là các quốc gia phải đảm bảo nhất quán và thông tin đầy đủ về thủ tục xuất nhập cảnh cùng các yêu cầu khác để duy trì niềm tin của du khách. Điều này cũng cần triển khai cho chính công dân của quốc gia đó.
Ngoài ra, UNWTO cũng chỉ ra rằng việc mở cửa du lịch có liên quan mật thiết tới tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Các điểm đến có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong khi đó, du lịch dần được phục hồi tại những điểm đến có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, nơi các quốc gia có thể thỏa thuận về các giao thức như khu vực Schengen tại châu Âu./.