Ngay từ đầu năm 2021, nhiều sản phẩm du lịch đã được ra mắt phù hợp với tình hình dịch bệnh và xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng.
Đa dạng sản phẩm du lịch mới trong năm 2021. Ảnh minh họa
Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều hoạt động hữu hiệu giúp Việt Nam duy trì hình ảnh điểm đến an toàn, trách nhiệm thông qua các hoạt động cung cấp thông tin về điểm đến, phòng dịch qua webina (hội thảo trực tuyến), diễn đàn đa phương. Cũng trong năm 2020, Việt Nam liên tiếp nhận các giải thưởng hành đầu về du lịch như điểm đến hàng đầu châu Á về văn hóa, ẩm thực, điểm đến hàng đầu thế giới về di sản…
Do ảnh hưởng của dịch bệnh ngành du lịch Việt Nam vẫn tập trung vào dòng khách nội địa. Trong đó, an toàn vẫn là yếu tố quan trọng nhất được du khách quan tâm.
Một số xu hướng du lịch hứa hẹn sẽ được ưa chuộng trong năm 2021, đó là: du lịch đại trà sẽ tạm dừng, thay vào đó là xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, cá nhân hóa.
Những điểm đến mới, những nơi còn nguyên sơ sẽ có cơ hội được đầu tư, phát triển. Các sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe, như: du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên ngày càng trở nên quan trọng hơn sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ tập trung đầu tư các sản phẩm du lịch theo chiều sâu, chất lượng cũng như tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa, hướng tới sự phát triển bền vững của du lịch.
Để phù hợp với nhu cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới, ngoài hai yếu tố quan trọng là sự minh bạch và an tâm, tính trải nghiệm cá nhân của du khách được ưu tiên hàng đầu và hình thức du lịch được cá nhân hóa là một trong những xu hướng của năm 2021. Du khách Việt cũng khắt khe hơn khi lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Mở màn là Chương trình quảng bá du lịch trên nền tảng YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!” do Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch triển khai, là kênh thông tin hữu ích cho du khách tìm hiểu về sản phẩm, điểm đến trên mọi miền đất nước.
Những tín hiệu khả quan về một thị trường du lịch nhộn nhịp trở lại cũng được đánh dấu bằng sự hợp tác của các tập đoàn, đơn vị du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cùng tham gia nền tảng trao đổi kỳ nghỉ, mang đến cho du khách những dịch vụ du lịch tại hơn 300 điểm đến tại Việt Nam.
Bà Lê Vĩnh Linh (đại diện nền tảng trao đổi kỳ nghỉ VPASS) chia sẻ: không chỉ tập trung vào các dịch vụ du lịch trong lĩnh vực hàng không, nghỉ dưỡng, du thuyền… nhằm xây dựng một cộng đồng du lịch văn minh, mà với sự tiện ích của các hoạt động trao đổi trên nền tảng công nghệ 4.0, các nhà cung cấp dịch vụ còn chú trọng du lịch cá nhân hóa thông qua các trợ lý cá nhân chuyên biệt, đảm bảo trải nghiệm chất lượng cho du khách khi nghỉ dưỡng.
Hướng tới phục hồi và phát triển ngành du lịch trong năm 2021, các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch, kích cũng được nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng… giới thiệu, để mang đến những lựa chọn phù hợp cho du khách.