Du lịch cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế vùng và có thể chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch trực tiếp cho người dân địa phương. Ở nước ta, loại hình du lịch này dù phát triển nhưng lại thiếu định hướng, thiếu bền vững và chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên du lịch.
Đến nay, nhiều địa phương đã và đang tích cực phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, không phải tất cả các điểm đến, các bản du lịch cộng đồng đều thành công.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở nước ta đang trong giai đoạn khởi phát, cần được hỗ trợ phát triển. Cũng không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt qua các dự án từ trong và ngoài nước nhưng sau khi kết thúc dự án thì hoạt động du lịch lại không thể tiếp tục vì thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng và đặc biệt là không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch…
Sin Suối Hồ (Lai Châu) là một trong số ít những bản làm du lịch mà cộng đồng tham gia trực tiếp và được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng
Mới là du lịch dựa vào cộng đồng
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), hiện nay Việt Nam cũng chưa có quy chuẩn chính xác cho mô hình du lịch cộng đồng. Chính vìthế, loại hình du lịch này vẫn phát triển ồạt, không cóhướng dẫn, làm ảnh hưởng đến kinh tế, đến niềm tin vào du lịch cộng đồng của một sốcác cộng đồng và làmột rào cản vô cùng lớn trong việc nhận định chuẩn xác vềdu lịch cộng đồng.
Hiện vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về du lịch cộng đồng ở Việt Nam, trong đó nổi lên 2 nhìn nhận: Thứ nhất coi đây là một loại hình du lịch do cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương; thứ hai là du lịch cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế – xã hội từ các hoạt động du lịch, chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương.
Còn trong Luật Du lịch 2017, tại Điều 3 ghi rõ “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Nhưng dùở khái niệm nào thì yếu tố quyết định trong du lịch cộng đồng đều là sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch. Du lịch cộng đồng dựa trên mong muốn của khách du lịch để tìm hiểu thêm về cuộc sống hằng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Du lịch cộng đồng thường liên kết với người dân thành thị đến các vùng nông thôn để thưởng thức cuộc sống tại đó trong một khoảng thời gian nhất định. PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường ĐHKHXHNV Hà Nội) khẳng định gần như toàn bộ mô hình du lịch cộng đồng của Việt Nam hiện nay là du lịch dựa vào cộng đồng. Cộng đồng chỉ làm đối tác chứ không phải trực tiếp tham gia làm du lịch cộng đồng và chưa được hưởng lợi nhiều từ du lịch.
Du lịch cộng đồng đã mở rộng ra trên cả nước với khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động loại hình này. Đặc biệt, giai đoạn 2015 – 2020, cùng với trào lưu khách du lịch quốc tế tham gia loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng gia tăng mạnh trên toàn cầu, hoạt động du lịch cộng đồng đã trở nên sôi động hơn và thu hút sự quan tâm phát triển ở nhiều địa phương, kể cả ở các thành phố lớn du lịch cộng đồng cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên nhìn chung, các địa phương đều đang rất lúng túng khi phát triển du lịch cộng đồng, rất nhiều nơi người dân tự tìm lối đi, mỗi nơi phát triển một kiểu, không biết phải phát triển như thế nào cho hiệu quả, chủ yếu vừa mò mẫm làm, vừa rút kinh nghiệm.
Hiệu quả chưa cao
Ông Hồ Trung Thành (Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch) cho biết, sự xuất hiện của nhiều loại hình du lịch một mặt đáp ứng thị hiếu du khách nhưng mặt khác đã tác động không nhỏ đến nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa cũng như đời sống kinh tế xã hội của người dân địa phương theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Một số nơi khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa quan tâm đến bảo tồn và bảo vệ môi trường, gây ra những hệ quả như rừng, biển bị tàn phá, các động thực vật quý hiếm bị tiêu diệt để phục vụ nhu cầu nhất thời của du khách, chất thải không được xử lý đặc biệt rác thải nhựa đang trở thành vấn đề báo động. Một số khu vực còn hạn chế điều kiện do cách sống của người dân, một số nơi thiếu trang thiết bị phục vụ khách do thiếu vốn. Một số điểm du lịch cộng đồng đã xây dựng được website tuy nhiên chỉ dừng lại ở bước quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chứ chưa tích hợp được hình thức giao dịch thương mại điện tử.
Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch mà chưa có các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương. Nguồn nhân lực, người dân tham gia làm du lịch cộng đồng hạn chế về cách đón tiếp khách, chưa có kiến thức về du lịch. Phần lớn người dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dùđã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên nguồn nhân lực du lịch địa phương chưa đảm bảo được về mặt số lượng lẫn chất lượng, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng, nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách cho nên khó thỏa mãn tối đa sự hài lòng của du khách.
Thậm chí có những điểm du lịch cộng đồng bị bê tông hóa hoặc bị mai một dần bản sắc, giảm sử dụng vật liệu địa phương do nhận thức, kiến thức của người dân và chính quyền địa phương, giảm lượng khách do cảnh quan bị phá vỡ vì thủy điện, ô nhiễm từ các dự án công nghiệp. Các hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa cao, tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu định hướng từ cơ quan quản lý nhà nước.