Cú sốc cho lữ hành
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương nước ta đã phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly và phong tỏa, gây khủng hoảng trầm trọng cho ngành du lịch, nhất là các đơn vị lữ hành. Những khó khăn này dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Công ty TNHH Tổ chức sự kiện và Du lịch Quốc tế Đất Việt chia sẻ: “Có thể nói, hầu hết các hoạt động của công ty như tổ chức tour quốc tế, trong nước và kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện, bán vé máy bay … đều phải tạm dừng. Doanh nghiệp không có doanh thu kéo theo một loạt các hệ lụy như: nguồn khách hàng lâu năm của công ty sẽ có sự thay đổi về lựa chọn sau khi dịch bệnh được kiểm soát nếu như bộ phận chăm sóc khách hàng chủ quan trong thời điểm khó khăn này; phương tiện vận chuyển, phục vụ du khách không có điều kiện duy tu, bảo quản vì khi không có khách, không có kinh phí và lao động thực hiện. Lấy một thí dụ là các xe ô-tô vận chuyển khách du lịch đòi hỏi kinh phí duy trì và nhân viên chăm sóc rất lớn vì số lượng xe của doanh nghiệp là khá nhiều. Nhân sự của các bộ phận trong công ty đều phải giảm bớt hoặc tạm dừng ký hợp đồng lao động, tản mát đi kiếm việc khác. Vấn đề này sẽ khiến cho Đất Việt cũng như nhiều công ty du lịch khác gặp khó khăn về nhân sự khi muốn tuyển lại nhân viên lúc dịch bệnh được kiểm soát”.
Trong gần 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh vừa qua, nhiều hướng dẫn viên đã phải nghỉ việc một cách bất đắc dĩ. Họ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, trong đó có việc tìm việc mưu sinh để duy trì thu nhập trang trải cho cuộc sống, nhất là với những hướng dẫn viên đã có gia đình. Anh Phạm Xuân Toàn, hướng dẫn viên của Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Minh Trung cho biết: “Nếu như trước đây, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, vào mùa cao điểm du lịch, tôi chạy tour gần như là kín tháng, nhưng nhiều tháng dịch căng thẳng vừa qua và đến thời điểm này, tôi và các đồng nghiệp thất nghiệp và gần như không có thu nhập và buộc phải lựa chọn một công việc khác để làm tạm thời”.
Khó khăn lớn nhất của các hướng dẫn viên trong thời điểm dịch bệnh không gì khác ngoài vấn đề việc làm, thu nhập và nhiều vấn đề cũng phát sinh từ đó với họ và gia đình.
Làn sóng chuyển nghề “ngắn hạn”
Dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, cho dù đã có sự kiểm soát tốt hơn so với trước, nhưng chưa thể gọi là chắc chắn và thời điểm để ổn định trở lại như cuộc sống trước đây còn khá lâu. Điều này đồng nghĩa với việc không biết sẽ chờ đến khi nào du lịch mới phục hồi và trở lại hoạt động, phát triển. Bài toán kinh tế buộc các hướng dẫn viên phải tự tìm cho mình những công việc khác.
Song, vì không có chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm trong các lĩnh vực mới chuyển sang, cho nên các công việc của họ tìm được trong mùa dịch phần lớn là kinh doanh online tự do hoặc những công việc lao động phổ thông với đồng lương ít ỏi. Chẳng hạn như hướng dẫn viên Phạm Xuân Toàn đã phải chuyển sang tạm thời làm Grab, tư vấn về bất động sản khi công việc bị gián đoạn. Theo chị Trúc Hạ, một hướng dẫn viên tự do: “Khi dịch bệnh bùng phát, tôi cũng phải đi tìm những công việc khác để có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, cũng khó để tìm được những công việc phù hợp với quỹ thời gian và tính cách của mình. Trong suốt thời gian nghỉ dịch, mình đã buộc phải chuyển sang kinh doanh online, sale… nhưng cũng chỉ gọi là “cầm cự”.
Hiện tại, với độ phủ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở các địa phương trong cả nước đang được tiến hành tốt với tỷ lệ cao, được sự đồng ý của Chính phủ, một số địa phương đã có chủ trương mở cửa về du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới. Nhiều công ty du lịch cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại, song vẫn khá bấp bênh, nhất là với những hướng dẫn viên.
Chị Trúc Hạ chia sẻ: “Hiện tại du lịch chưa mở cửa hẳn, lúc mở, lúc đóng và mới chỉ một vài điểm đến được thí điểm đón khách, cho nên cũng chưa thể nói rằng công việc ổn định lại được. Tuy nhiên, cũng ổn hơn so với thời điểm giãn cách xã hội và phong tỏa trước đây”.
Anh Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Công ty TNHH Tổ chức sự kiện và Du lịch Quốc tế Đất Việt cho biết thêm: “Phải khẳng định một điều, hướng dẫn viên có vai trò vô cùng quan trọng với du lịch nói chung và nhất là trong kinh doanh lữ hành, nhưng để cùng với đất nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, các hướng dẫn viên trong công ty cũng phải tạm dừng công việc của mình lại”.
Một câu hỏi đặt ra là, liệu có không làn sóng quay trở lại nghề của các hướng dẫn viên du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát và chấm dứt. Vấn đề quan trọng là, không biết đến bao giờ. Cũng bởi vậy, vấn đề thiếu hụt nhân sự lành nghề của ngành lữ hành đang là nỗi lo của các đơn vị và các nhà quản lý.
Để giữ chân những hướng dẫn viên du lịch ở lại với nghề, các công ty du lịch đã và đang loay hoay tìm giải pháp, hoặc cơ chế hỗ trợ họ về kinh tế để duy trì cuộc sống. Chính phủ thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những hỗ trợ, song chỉ là sự động viên, giúp đỡ tạm thời. Anh Nguyễn Viêt Hùng cho biết “Công ty Đất Việt vẫn dành một khoản hỗ trợ theo tháng từ quỹ của công ty) mặc dù không lớn nhưng cũng phần nào động viên tinh thần anh chị em hướng dẫn viên. Công ty đã kết nối đến những doanh nghiệp cần nhân lực khác trên địa bàn để các hướng dẫn viên có công việc và có thu nhập chăm lo cho gia đình. Cũng từ sự chăm lo này, công ty đã nhận được sự chia sẻ và cam kết của đội ngũ hướng dẫn viên sẵn sàng trở lại với công việc chuyên môn của mình khi điều kiện cho phép để tiếp tục cùng đồng hành với công ty phục vụ du khách”.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời của các doanh nghiệp và cơ hội để các hướng dẫn viên quay trở lại với nghề vẫn còn bỏ ngỏ và là chặng đường dài phía trước.