Sản phẩm du lịch phải mang tầm dấu ấn văn hóa
Trong tham luận trình bày tại Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ VHTTDL ý thức một cách đầy đủ rằng, Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 và xác định nhiều nội dung toàn diện, sâu sắc về lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, trong đó lĩnh vực văn hóa được Bộ Chính trị đề cập hết sức đầy đủ, toàn diện và có rất nhiều điểm mới.
Nghị quyết cũng đã xác định, vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi hội tụ và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của dân tộc ta. Nghị quyết cũng đặt vấn đề kinh tế phải phát triển hài hòa với văn hóa như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí Thư, đó là đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế và chính trị. Đồng thời, Nghị quyết yêu cầu phải giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa lịch sử của vùng trên cơ sở các quan điểm, các nhiệm vụ được nêu ra trong Nghị quyết 30 đã cho thấy rất nhiều điểm mới về văn hóa.
“Thay mặt cho toàn ngành Văn hóa, chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo sâu sắc của Bộ Chính trị để trên cơ sở này, ngành Văn hóa tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng cùng với các địa phương tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, nhất là cụ thể hóa sâu sắc hơn chương trình hành động của Chính phủ để tập trung thực hiện Nghị quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để thực hiện Nghị quyết, ngành Văn hóa cũng như toàn bộ các địa phương trong khu vực cần phải quán triệt các quan điểm lớn, từ đó nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng thế mạnh văn hóa của vùng. Đây là vùng có truyền thống văn hóa lâu đời, là cái nôi hình thành văn hóa của người Việt cổ gắn liền với văn hóa Đông Sơn và kinh đô của nhiều triều đại phong kiến.
Nếu như ở Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị xác định về Đồng bằng Sông Cửu Long, khẳng định đây là “Vùng đất Chín Rồng” thì Nghị quyết 30 lần này cũng đã đề cập đến khí thế hào hùng của vùng đất Rồng bay khi mà “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Chính vì vậy, vùng đất này luôn luôn gắn liền với văn hóa xứ Kinh Bắc, văn hóa của xứ Đông, xứ Đoài, là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, của dân ca Quan họ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong vùng cũng có những tiềm năng văn hóa, tài nguyên văn hóa hết sức phong phú và đa dạng.
“Trách nhiệm của Bộ VHTTDL và các địa phương là phải phát huy, giữ gìn, tôn tạo, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị này trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, văn hoá là lĩnh vực rất rộng, vì vậy qua quá trình thực hiện, vừa phải toàn diện nhưng đồng thời cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi thích hợp. Với cách tiếp cận này, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương trong vùng cùng đồng hành, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Theo đó, cần tập trung để xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, gắn liền với yếu tố giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, không gian văn hóa, văn hóa làng xã, mang đậm nét riêng của vùng. Từ đó xem xét mối quan hệ của dòng họ, của địa bàn, của hệ giá trị gia đình văn hóa…
“Khi chúng ta cụ thể hóa về giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phải chăng ở vùng này còn phải chú ý thêm nét hào hoa, tinh tế của vùng đất đồng bằng sông Hồng để với tư cách là chủ thể, người dân sẽ chủ động sáng tạo, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa như tinh thần Nghị quyết đã nêu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị phải tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, sản phẩm du lịch phải mang tầm dấu ấn văn hóa.
Tập trung xác định Thủ đô là trung tâm kết nối, liên kết vùng đề phát triển, liên kết các sản phẩm du lịch. Chúng ta sẽ có các sản phẩm, hành trình qua miền di sản như: Tràng An, Hạ Long, Côn Sơn Kiếp Bạc, Vân Đồn… và nhiều sản phẩm tương tự khác để đưa nền kinh tế gắn kết giữa du lịch với văn hóa, trong đó văn hóa giữ vai trò động lực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, để thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra, chúng ta phải huy động được nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực đầu tư công giữ vai trò chi phối, có cơ chế để huy động các nguồn lực khác để tôn tạo, phát huy, giữ gìn các giá trị di tích văn hoá, lịch sử.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm để đầu tư các thiết chế văn hóa cho các địa phương trong vùng, vừa đảm bảo được các thiết chế theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng có những thiết chế văn hóa và thể thao xứng tầm để chúng ta thực thi Nghị quyết.
Ban hành khung chính sách phù hợp cho các tỉnh, thành phố có di sản
Trình bày bài tham luận với nội dung “Phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng”, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, giá trị lịch sử với nhiều trầm tích văn hóa được bồi lắng bền bỉ qua thời gian. Đây cũng là vùng có số lượng văn hóa vật thể, phi vật thể đứng đầu cả nước. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của vùng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, đặc biệt là sự phát triển của du lịch.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị lịch sử, văn hóa cho sự phát triển kinh tế – xã hội, còn một số vấn đề lớn, khó, mang tầm của vùng, của quốc gia mà địa phương không thể giải quyết được. Vì vậy, để phát huy nguồn lực văn hóa trong thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất Trung ương cần có cơ chế chỉ đạo, phối hợp, thống nhất quan điểm phát triển toàn diện, bền vững cho cả vùng, trong đó có lĩnh vực văn hóa; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương, từ đó tạo sự liên kết trong xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của từng tỉnh, thành phố, phát huy thế mạnh riêng, tạo sức mạnh chung, đảm bảo đồng bộ, hài hòa, hiệu quả, không xung đột, chia cắt, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng kết nối vùng, liên vùng như tuyến đường ven biển, cao tốc Ninh Bình – Nam Định -Thái Bình – Hải Phòng… vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển toàn diện văn hóa – xã hội…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế- xã hội.
Nêu lên những trăn trở của Ninh Bình trong quá trình bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, di sản, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Trung ương xem xét, ban hành chủ trương, khung chính sách phù hợp cho các tỉnh, thành phố có di sản bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế- xã hội, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo xây dựng Đề án về bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững, tương xứng với tầm vóc, tiềm năng, thế mạnh của vùng./.