Dù năm 2024 chưa khép lại nhưng những con số thống kê ấn tượng cho thấy, đây là năm khởi sắc của ngành du lịch, khẳng định sự phục hồi và bứt phá mạnh mẽ, hứa hẹn bùng nổ của ngành công nghiệp không khói này trong năm 2025.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 19/12/2024, ngành du lịch đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong năm qua.
Thị trường Hàn Quốc tiếp tục là “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam trong tháng 11 cũng như 11 tháng qua, đạt gần 400.000 lượt. Trung Quốc xếp thứ hai với gần 340.000 lượt. Top 10 thị trường cũng ghi nhận nguồn khách đến từ đảo Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Campuchia, Australia.
Đáng chú ý, lượng khách Pháp đến Việt Nam trong tháng 11 tăng đột biến, với hơn 33.000 lượt, bằng 144% so với tháng 10 và nằm trong top 12 thị trường gửi nhiều khách đến Việt Nam. Singapore đứng thứ 11, với hơn 35.000 lượt.
Xét về mức độ tăng trưởng, các nước châu Âu ghi nhận mức độ tăng nhiều nhất trong tháng 11. Trong đó, Ba Lan tăng hơn 330% so với tháng 10; tiếp đến có Italy, Nga, Na Uy, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Anh, Đức.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các thị trường gửi khách đến Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong tháng 11 gồm Philippines, Campuchia, Ấn Độ, Singapore, Malaysia.
Các rào cản về đón khách quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như vướng mắc trong quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương… đã được gỡ bỏ trong năm 2024. Những chuyển biến này giúp Việt Nam nâng cao sức hút và khả năng cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, tạo tiền đề tăng trưởng khách quốc tế trong năm qua.
Trong năm qua, du lịch nội địa ‘lên ngôi’ trong xu hướng tìm kiếm về điểm đến. Chủ đề “du lịch” cho thấy nhu cầu đi du lịch của người Việt vẫn tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Tần suất tìm kiếm về điểm đến, vé máy bay, khách sạn hoặc tour du lịch cũng phản ánh phần nào sự phục hồi tích cực của ngành.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỉ lệ người tiêu dùng sẵn sàng tăng mức chi tiêu cho du lịch đã tăng đáng kể, đạt 48,1%. Đây là một sự cải thiện ấn tượng, phản ánh xu hướng phục hồi mạnh mẽ của ngành này và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
Về doanh thu, chỉ tính riêng TP.HCM năm 2024, đã thu hút hơn 45 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tổng doanh thu hơn 190.000 tỷ đồng. Hà Nội xếp thứ 2 với lượng khách ước đạt 5,8 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 4 triệu lượt, khách du lịch nội địa gần 1,8 triệu lượt, doanh thu đạt 99.949 tỷ đồng.
Nếu như năm ngoái, chỉ có 9 địa phương có doanh thu về du lịch trên 10.000 tỉ đồng thì năm nay con số chưa chính thức cho thấy đã có khoảng 15 địa phương đạt mức này. Đáng chú ý nhiều địa phương đã vượt ngưỡng doanh thu tỉ USD như Bình Định, Thanh Hóa…
Một số địa phương khác cũng đã có sự bứt phá vượt bậc trong việc thu hút du khách khách quốc tế. Khánh Hòa với những sự kiện tầm cỡ quốc tế như “Vịnh Ánh Sáng Quốc Tế Nha Trang 2024” và “Giải đua thuyền máy Grand Prix of Binh Dinh” cũng đã vượt mục tiêu đón hơn 9 triệu lượt khách trong 9 tháng đầu năm. Đà Nẵng và Bình Thuận đều đạt kết quả khả quan, với lượng khách lần lượt là 8,7 triệu và 7,4 triệu lượt.
Định vị thương hiệu du lịch Việt gần đây cũng dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Các tín hiệu tích cực là một số tỷ phú và nhiều du khách quốc tế có mức chi tiêu cao đã lựa chọn Việt Nam để tổ chức các sự kiện quan trọng.
Năm qua, đã có hơn 10 đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ tổ chức ở hệ thống Vinpearl cùng sự kiện một tỷ phú ngành dược của Ấn Độ lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi tổ chức kỳ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình hồi cuối tháng 8…
Đặc biệt, để phục vụ du khách hạng sang, Quảng Ninh tìm 7 đảo hoang sơ và bãi tắm đẹp để đón các tỉ phú thế giới. Tổ chức Lễ hội Nghệ thuật vì khí hậu phục vụ 200 tỉ phú châu Âu sẽ đi siêu du thuyền đến vịnh Hạ Long tham gia vào tháng 1/2025. Đó là những tín hiệu cho thấy thị trường du lịch MICE (du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo) quốc tế đã có những khởi sắc trở lại.
Du lịch tàu biển sôi động trong năm 2024. Việc tiếp tục đón hàng loạt tàu biển quốc tế có lượng khách lên tới hàng ngàn người là tín hiệu tích cực, hướng tới một năm đầy lạc quan cho ngành du lịch quốc tế nói chung và du lịch tàu biển nói riêng của Việt Nam.
Trong năm 2024, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế cũng được đổi mới nội dung, phương thức và khá sôi động. Du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch quốc gia tại Lào, Australia, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Đức, Italia…
Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam tổ chức tại Hàn Quốc (tháng 7/2024). Cuối tháng 9/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, với nhiều thỏa thuận được ký kết, góp phần thu hút nhóm khách giàu tiềm năng và có khả năng chi tiêu cao.
Các sự kiện như Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE HCMC 2024 và Lễ hội Xúc tiến Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản cũng tạo đà thúc đẩy sự quan tâm của khách du lịch quốc tế.
Việt Nam cũng đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của Tổ chức du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) năm 2024. Đây không chỉ là sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và uy tín của Việt Nam trong các tổ chức du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của UN Tourism.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đã trao danh hiệu Làng du lịch tốt nhất cho làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam). Đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải này trong năm nay. Sự kiện này góp phần vào việc tôn vinh giá trị, lan tỏa thương hiệu và quảng bá du lịch Hội An, Quảng Nam đến với du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã vinh dự nhận hàng loạt giải thưởng danh giá từ các tổ chức quốc tế uy tín trên toàn cầu và nhiều lần được truyền thông báo chí quốc tế vinh danh, ca ngợi là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để giành 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ sáu Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 6 trong 7 năm qua Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (vào các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024), khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.
Trong năm qua, du lịch Việt Nam đã hướng vào thực chất khi khai thác hiệu quả các lợi thế về tài nguyên văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm qua đã xếp hạng cao nhiều chỉ số của du lịch Việt Nam.
Không chỉ vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế cũng nhiều lần ca ngợi, vinh danh du lịch Việt Nam. Từ đó góp phần quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam đến với đông đảo du khách trên khắp thế giới.
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nêu mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới và tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 -28 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 – 9% trong GDP.
Để đạt được mục tiêu ấy, vấn đề hợp tác du lịch – hàng không được coi là chiến lược then chốt trong thu hút khách quốc tế. Việt Nam mở rộng mạng lưới bay, kết nối trực tiếp các chuyến bay thẳng từ thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, nâng cấp các sân bay đầu mối trung chuyển như Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tăng khả năng đón khách quốc tế.
Việt Nam có nhiều điểm mạnh về du lịch như bề dày văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi cuối tháng 5 xếp hạng cao nhiều chỉ số của du lịch Việt.
Giá cả cạnh tranh xếp thứ 16 trên tổng 119 quốc gia, vùng lãnh thổ. An ninh an toàn xếp hạng 23, chỉ số tài nguyên thiên nhiên hạng 26, tài nguyên văn hóa hạng 28, tài nguyên khác ngoài giải trí, nghỉ dưỡng hạng 38.
Việt Nam phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, du lịch Việt Nam tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm (khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp).
Du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.