Du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất thế giới
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách về phục hồi và phát triển du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, từ 15/3/2022 được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ các hoạt động của du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại. Đây được xem dấu mốc rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, việc mở cửa lại du lịch đã đánh dấu sự quay trở lại của một ngành kinh tế mũi nhọn. “Chúng ta đã chứng kiến sự hồi phục rất thần kỳ về tất cả các chỉ số của ngành du lịch”.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách. Tổng số khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt khách (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 và vượt chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2022). Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021).
Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất. Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phục hồi và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm có nhiều tín hiệu khởi sắc, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2022 của nhiều địa phương tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021.
“Đi trên đôi chân của mình”
Du lịch Việt Nam có được những kết quả ấn tượng đó là nhờ những chính sách ứng phó linh hoạt của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần cầu thị và quyết tâm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của những người làm du lịch.
Khi du lịch ở trong bối cảnh khó khăn, thách thức lớn nhất, Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn quan tâm và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ, giúp đỡ ngành du lịch. Nhờ những quyết sách đó mà ngành du lịch đã thấy được trách nhiệm để cố gắng vượt qua khó khăn.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và sau khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, Bộ VHTTDL đã có nhiều phiên họp, nhiều cuộc làm việc với các cơ quan làm công tác du lịch ở các địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp để đề nghị cơ cấu lại ngành, chuẩn bị thích ứng an toàn khi Việt Nam đã mở cửa lại du lịch quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, việc Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 đã chứng minh hướng đi đúng của du lịch Việt Nam khi chúng ta coi nội địa là bệ đỡ của du lịch quốc tế, đi trên “đôi chân” của mình, vừa chú ý đến thị trường nội địa, vừa từng bước tiếp cận để khai thác thị trường quốc tế.
Lượng khách quốc tế tuy chưa đạt như mong muốn nhưng cũng đã cho thấy sự cố gắng của toàn ngành, chứng minh sự đúng đắn khi mở cửa, sự quan tâm của chính quyền các cấp. Đồng thời cho thấy vai trò của các tỉnh, thành phố, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL trong việc chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, làm du lịch được khởi sắc. Những địa phương đã về đích trước như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ…. Những đầu cầu tăng trưởng này làm du lịch “ấm lại”, bước đi chắc chắn hơn.
Trong những tháng cuối năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ VHTTDL là trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, coi quy hoạch là gốc, vừa là giải pháp, mục tiêu, động lực. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch. Đầu tư cho du lịch phải rất căn cơ, phải dựa vào tiềm lực xã hội, huy động sức mạnh từ các nguồn lực khác nhau để tạo ra các khu du lịch, điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch tầm cỡ./.