Ông BÙI QUỐC THÁI, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang:
Đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư trong du lịch
Phát triển ngành du lịch Kiên Giang nói chung, đặc biệt là TP Phú Quốc nói riêng trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của Việt Nam và khu vực. Kiên Giang muốn đón 9,2 triệu lượt khách du lịch; trong đó 680.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ước tính đạt 20.000 tỉ đồng.
Theo đó, Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; lập hồ sơ công nhận Phú Quốc là khu du lịch quốc gia.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và hội nhập quốc tế; quảng bá du lịch tại thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Vương quốc Anh, TP.HCM, Lào Cai…
Sở Du lịch đề xuất Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch để thu hút đầu tư. Bộ VH-TT&DL có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp đối với nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn.
UBND tỉnh dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là vùng U Minh Thượng. Tỉnh tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng tại TP Phú Quốc, Rạch Giá…
Bà NGUYỄN THỊ LỆ THANH, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa:
Mở rộng thị trường quốc tế có lượng khách lớn
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu doanh thu hơn 40.000 tỉ đồng, theo đó tỉnh triển khai kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam – Nha Trang biển gọi”.
Thị trường khách du lịch nội địa vẫn được xác định là thị trường trọng tâm hướng đến trong năm 2024 và dần mở rộng ra các thị trường du lịch quốc tế có lượng khách lớn như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan…
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng cơ chế tạo quỹ phát triển du lịch của tỉnh, sử dụng ưu tiên cho mục đích bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa…
Sở Du lịch tiếp tục phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống trung tâm điều hành thông tin hỗ trợ khách du lịch; thiết lập ứng dụng hướng dẫn viên ảo trên thiết bị di động; xây dựng hệ thống kho dữ liệu và phần mềm nghiệp vụ ngành du lịch.
Ông TRỊNH HÀNG, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Du lịch xanh là hướng đi bắt buộc
Tỉnh đặt mục tiêu đón trên 15,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 16.491 tỉ đồng. Năm 2024, tỉnh ưu tiên phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế.
Du lịch xanh là hướng đi bắt buộc, vì vậy cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch gắn với các chương trình bảo vệ môi trường.
Bà Rịa-Vũng Tàu xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2024-2025 là phát triển du lịch bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. Tỉnh đẩy mạnh cơ cấu ngành du lịch theo hướng chất lượng bền vững; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM:
Phát triển du lịch theo chiều sâu và bền vững
Trong năm 2024, ngành du lịch TP sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, đưa du lịch TP phát triển theo chiều sâu và bền vững với bốn mục tiêu chính.
Đầu tiên là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP. Tiếp đến là tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP.
Ngành du lịch tiếp tục thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số du lịch với mục tiêu lớn là đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước tính đạt 190.000 tỉ đồng.
Về nguồn khách, TP.HCM tập trung các thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển… Cạnh đó, triển khai có hiệu quả chương trình “TP.HCM – 100 điều thú vị” và các sản phẩm du lịch liên kết với các tỉnh, thành.
Cuối cùng, sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin, quảng bá du lịch nền tảng Metaverse, mở rộng nền tảng bản đồ 3D/360 trên phạm vi cả nước.•
Năm 2024: Khách nội địa giảm, khách quốc tế tăng
Trong năm 2023, ngành du lịch Việt Nam có sự phục hồi đáng kể với lượng khách du lịch quốc tế đạt 12,59 triệu, gấp gần bốn lần so với năm 2022. Tuy nhiên, tỉ lệ phục hồi trong ba quý đầu năm chỉ đạt 44%, thấp nhất trong số các điểm đến nổi tiếng tại Đông Nam Á.
Năm 2024, mặc dù thị trường du lịch châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa đạt được con số của năm 2019, dự đoán triển vọng về nhu cầu du lịch giải trí mang chiều hướng tích cực. Lưu lượng hành khách nội địa dự kiến giảm, trong khi lưu lượng hành khách quốc tế dự kiến tăng.
Ngành khách sạn của Việt Nam phục hồi kiên cường với tỉ lệ lấp đầy và hiệu suất cơ bản đang có xu hướng đi lên. Dự đoán khối lượng giao dịch ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng lên vào năm 2024, đạt mức đáng kể là 10,4 tỉ USD.
Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC, Giám đốc điều hành The Outbox Company