Đối tượng nào được hỗ trợ?
Để có Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, nội dung Nghị quyết nêu rõ hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người (trong đó 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm), khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành đã rút lui khỏi thị trường.
Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021-31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian trên được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các đối tượng này sẽ được vay với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Song, doanh nghiệp hay người sử dụng lao động muốn nhận được hỗ trợ trên phải bảo đảm không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Giám sát chặt để tránh tiêu cực
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc. Đây là kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia.
Đây thực sự là những con số buồn của nền kinh tế xanh, lao động hầu hết đều thất nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn. Chính vì thế, gói hỗ trợ tại Nghị quyết 68/NQ-CP lần này có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng sẽ phân bổ gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Gói hỗ trợ nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tuần qua, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết Bộ sẽ cố gắng triển khai sớm gói hỗ trợ này.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.
Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, sự quan tâm không kể sớm hay muộn cũng đã góp phần giúp ngành du lịch và hàng nghìn doanh nghiệp có thêm động lực cố gắng bám trụ đến “hồi thái lai.”
Ở góc độ khác, Trưởng ban thư ký Hội đồng Du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cho hay vừa rồi khi TAB làm một cuộc khảo sát các doanh nghiệp du lịch, kết quả cho thấy điều họ quan tâm nhất hiện nay là làm sao để người lao động du lịch được tiêm vaccine ngay, việc này còn cần thiết hơn cả việc được Chính phủ hỗ trợ tiền.
Bởi nếu được tiêm vaccine người lao động mới có thể yên tâm đón và phục vụ khách, du khách cũng yên tâm hơn khi đi du lịch. Như vậy là người làm nghề muốn được cho “cần câu” chứ không phải là “con cá.”
Dẫu vậy, Nghị quyết 68/NQ-CP và trước đó là chỉ đạo “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng ‘hộ chiếu vaccine’ với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang” cũng đã cho thấy nỗ lực phục hồi nền kinh tế xanh của Chính phủ, cho thấy những dấu hiệu tích cực của ngành du lịch nước nhà./.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)