Ngoài việc khách du lịch phải đáp ứng các quy định về tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, Tổng cục Du lịch đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không được lựa chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi bay đến Việt Nam. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và thực hiện xét nghiệm tại cơ sở lưu trú đã đăng ký. Du khách đi đường bộ, đường biển xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như điều kiện của khách nội địa.
Ngoài ra, du khách phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD; đồng thời cài đặt ít nhất một ứng dụng quản lý an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của cơ quan chuyên môn và duy trì kết nối trong thời gian tại Việt Nam.
Về vấn đề thị thực, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách về thị thực cho khách du lịch nhập cảnh Việt Nam như thời điểm trước năm 2020, bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương và song phương.
Phát biểu tại buổi trao đổi thông tin, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: Toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và đang trong quá trình chuẩn bị các công tác liên quan để bảo đảm tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch. Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để mở cửa lại du lịch, cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn nữa nhằm thực hiện tốt yêu cầu này.
Để có thể nhanh chóng khôi phục du lịch Việt Nam, Tổng cục trưởng lưu ý các vấn đề chen chốt cần chú trọng là: vai trò kết hợp giữa du lịch và hàng không trong việc thu hút du khách, tạo ra những sản phẩm du lịch cạnh tranh, hấp dẫn; đàm phán để nâng cao số quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài) cân bằng với inbound (đón khách quốc tế); chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sau 2 năm gián đoạn vì dịch để bảo đảm chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; và đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch qua nền tảng số. Tổng cục trưởng cho biết thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tham gia các hội chợ quốc tế ở Đông Bắc Á, châu Âu, đặc biệt là Nga để quảng bá sản phẩm du lịch tới các thị trường này.