Các đại biểu bấm nút kích hoạt dự án. Ảnh TITC |
Theo thông tin từ ban tổ chức, dự án “Quảng bá du lịch và Xúc tiến thương mại trong chuyển đổi số” được triển khai với các nội dung: Quảng bá du lịch Việt Nam cùng tà áo dài tại các di sản văn hóa tới bạn bè thế giới; Xuất bản ấn phẩm ảnh “Hành trình Quảng bá Du lịch Việt Nam – Áo dài và những di sản văn hóa”; Xuất bản video du lịch và di sản văn hóa phát trên kênh VTV6; Xây dựng phòng trải nghiệm “thực tế ảo” các danh lam thắng cảnh; Tổ chức tọa đàm và hội thảo tại các tỉnh thành về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu tại buổi lễ. Ảnh TITC |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, sự kiện hôm nay cùng với sự kiện khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 có ý nghĩa rất lớn và kịp thời trong bối cảnh Việt Nam vừa mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3/2022.
Năm 2021, mặc dù liên tục bị tác động nặng nề của dịch COVID-19, ngành du lịch đón nhận sự hưởng ứng, vào cuộc rất chủ động, tích cực của các địa phương, các điểm đến trọng điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch cùng triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá, kích cầu du lịch từ nội tỉnh, nội địa đến thí điểm đón khách quốc tế và đã đạt được những kết quả tích cực. Triển vọng về mở cửa du lịch quốc tế bước đầu đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường khi lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Giám đốc dự án đang thuyết trình cho khách mời về dự án chuyển đổi số đới với ngành dụ lịch tại Việt Nam. Ảnh TITC |
Chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu đối với du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới.
Sự ra đời của những công nghệ như trí tuệ nhân tạo AI, internet vạn vật IoT, chuỗi khối Blockchain, dữ liệu lớn Bigdata, công nghệ 3D, 306 độ, thực tế ảo… đã lan tỏa mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, văn hóa, nghệ thuật, và du lịch không phải là ngoại lệ.
Đối với lĩnh vực du lịch, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều diễn ra trên môi trường số. Mặt khác nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm thông minh ngày càng tăng, điện thoại thông minh trở thành vật dụng đầy sức mạnh và không thể thiếu đối với hầu hết du khách. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có bài toán thích ứng nhanh chóng và tận dụng thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới.
Phó Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Du lịch đã và đang triển khai các giải pháp hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể trong ngành trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành du lịch; nền tảng kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; phát triển điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ các địa phương thực hiện chuyển đổi số du lịch.
Phó Tổng cục trưởng tin tưởng rằng dự án “Quảng bá du lịch và Xúc tiến thương mại trong chuyển đổi số” sau khi hoàn thành sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đồng thời giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về điểm đến cùng những giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Dự án “Quảng bá du lịch và Xúc tiến thương mại trong chuyển đổi số” và giới thiệu kế hoạch xuất bản sách ảnh “Hành trình Quảng bá Du lịch Việt Nam – Áo dài và những di sản văn hóa” do Tạp chí in Thông tin và Phát triển (Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam) và Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng triển khai thực hiện.
Dự án đã được triển khai từ đầu tháng 3 tại Bắc Giang (Tây Yên tử, chùa Vĩnh Nghiêm), Hải Phòng (tháp Tường Long, tượng nữ tướng Lê Chân), Quảng Ninh (vịnh Hạ Long, chùa Ba Vàng), Hưng Yên (đền Mẫu, hồ bán nguyệt, cây nhãn tổ), Hà Nội (Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, Bát Tràng, Hoàng thành Thăng Long), TP. Hồ Chí Minh (Dinh Độc Lập, Bưu điện Thành phố, Bến Nhà rồng, phố đi bộ Nguyễn Huệ), Tây Ninh (tháp cổ Bình Thạnh, chùa Bà Đen), Bà Rịa – Vũng Tàu (Vũng Tàu, Hồ Tràm), Phan Thiết (lầu ông Hoàng, tháp chàm Posah Inư, khu di tích lịch sử trường Dục Thanh) và sẽ còn tiếp tục các tỉnh thành khác trên cả nước.