Tuy nhiên, năm 2020, COVID-19 khiến mọi cuộc hội họp trực tiếp bị ngưng trệ và công nghệ số đã hoàn toàn làm thay đổi diện mạo của sản phẩm du lịch MICE. Bước sang giai đoạn bình thường mới năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước, du lịch MICE đang được kỳ vọng có thể sớm phục hồi trở lại.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi về sản phẩm đặc thù này.
– Những năm trước, du lịch MICE là một trong những sản phẩm giúp mang lại nguồn thu lớn nhất của ngành công nghiệp không khói. Nhưng COVID-19 xuất hiện đã tiêu diệt hoàn toàn sản phẩm này. Năm 2021, trong bối cảnh “bình thường mới,” ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của du lịch MICE ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2020, chúng ta đã chứng kiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất sâu sắc và thiệt hại lớn nhất do đại dịch COVID-19, trong đó du lịch MICE cũng tổn thất nặng nề. Do người dân không thể gặp gỡ, hội họp, tổng kết theo đúng tinh thần tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện nên công nghệ số đã thay thế cho loại hình du lịch MICE truyền thống trong thời gian.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất nếu COVID được kiểm soát. Du lịch được phục hồi, lập tức ngành công nghiệp du lịch MICE sẽ phát triển rất nhanh.
Bởi sau một thời gian dài buộc phải nén lại, nhu cầu giao lưu, trao đổi các hoạt động kinh tế, thương mại… cũng như các hoạt động về văn hóa, xã hội khác sẽ rất lớn, tạo thời cơ, điều kiện thuận lợi cho du lịch MICE phục hồi, doanh nghiệp du lịch phát triển. Do đó tôi nghĩ rằng ngay từ bây giờ, chúng ta cần định hướng cũng như có các giải pháp chuẩn bị trước cho việc đón nhận thời cơ mới.
Trong năm 2021, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trên thế giới, gây khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế ở Việt Nam. Nhưng với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi và mở rộng phát triển loại hình du lịch MICE, để từ đó biến Việt Nam thành điểm đến MICE hoàn hảo, trở thành trung tâm du lịch MICE của khu vực và quốc tế.
– Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì và phương án ra sao để phục hồi lại du lịch MICE trong giai đoạn tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có rất nhiều điều kiện, trong đó hạ tầng rất quan trọng đối với du lịch MICE. Chúng tôi thấy rằng trong 5 năm vừa qua, trước hết nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư hiện đại mà ngành công nghiệp du lịch MICE của Việt Nam phát triển khá nhanh.
Tuy nhiên, dù nhu cầu và tiềm năng của loại hình này rất lớn thì thực tế du lịch MICE Việt Nam mới phát triển được một phần nhỏ. Do đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, kể cả hạ tầng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt; hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị 5 sao để có thể đón khách, biến MICE thực sự trở thành ngành công nghiệp chính của du lịch Việt Nam theo đúng định hướng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.
Yếu tố thứ hai rất quan trọng là nguồn nhân lực du lịch. Làm sao để giữ chân được lực lượng lao động du lịch đang có. Vì thực tế, muốn đào tạo được lao động du lịch chuyên nghiệp, đặc biệt là du lịch MICE cần rất nhiều thời gian, bởi họ cần tích lũy và trải nghiệm.
Nếu để họ di chuyển sang ngành nghề khác thì sau này hết dịch bệnh, du lịch có cơ hội phục hồi chắc nhanh chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Tôi nghĩ, việc này cần giải pháp vĩ mô từ Chính phủ, phải có những chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ đối với ngành du lịch ở cả địa phương.
Yếu tố thứ ba, cần tạo ra sản phẩm du lịch MICE chất lượng, đa dạng, khác biệt và đặc biệt hấp dẫn để thu hút khách, tạo lợi thế cạnh tranh với các thị trường phát triển trên thế giới. Trước đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng MICE lớn nhất thế giới.
Theo dự báo của du lịch toàn cầu, đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE thu được trên 1.400 tỷ USD, trong đó hai khu vực lớn nhất là châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam đang nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực.
Yếu tố thứ tư, cần quảng bá xúc tiến và khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông. Khi dịch bệnh được kiểm soát, truyền thông quốc tế, xúc tiến quảng bá quốc tế là vô cùng quan trọng để tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho du lịch Việt Nam là điểm đến hàng đầu của du lịch MICE trong khu vực và trên thế giới, khi đó chúng ta sẽ thành công.
– Thế còn bức tranh chung của du lịch Việt Nam năm 2021, ông đánh giá thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc ngành du lịch toàn cầu. Dịch bệnh COVID-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Theo dự báo của Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, ngay trong năm 2021 tình hình sẽ rất khó khăn và chắc chắn việc mở cửa với thị trường khách quốc tế là rất khó.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất, cũng phải đến cuối năm 2021 mới có thể le lói một vài thị trường có thể mở cửa đón khách. Năm nay, chúng ta cần tập trung thúc đẩy thị trường nội địa. Bởi rất may mắn do kiểm soát dịch bệnh tốt nên Việt Nam đang là điểm đến an toàn. Vì vậy, cần đầu tư tạo sản phẩm đa dạng, thu hút khách trong nước cũng để đáp ứng nhu cầu đang bị nén do không thể xuất ngoại của người dân.
Tôi tin rằng nếu Việt Nam thúc đẩy được hình ảnh du lịch theo hướng tăng trưởng xanh thì khi đón thị trường quốc tế trở lại, chắc chắn sẽ ghi được dấu ấn với thế giới.
– Cảm ơn những chia sẻ của ông./.