Vùng đất Tây Nguyên bao la đầy nắng và gió với hệ thống cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nhiều đồi núi, sông hồ, thác nước, hang động, núi lửa… cùng một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đồ sộ của cộng đồng gần 50 dân tộc thiểu số sinh sống từ lâu đời tạo nên thế mạnh cho phát triển các loại hình du lịch.
Tây Nguyên là vùng đất bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; có tổng diện tích tự nhiên là 54.640,6 km2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước); nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; là nơi sinh sống lâu đời của 49 dân tộc anh em; là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Văn hóa Tây Nguyên có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại, nó khiến cho người ta không thể nào quên, kể cả trong từng giấc ngủ. Chuyện kể rằng, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Georges Condominas (1921-2011), người từng có nhiều năm sống ở Tây Nguyên, biết ăn những món ăn của người Mnông, biết nói thành thạo tiếng Mnông, biết đóng khố, đi chân trần và làm nương rẫy như một người đàn ông Mnông thực thụ. Vì thế ông yêu Tây Nguyên đến độ phải thốt lên rằng: “Tôi nằm mơ bằng tiếng Mnông!”.
Ngược dòng lịch sử, vùng đất Tây Nguyên xưa vốn là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số như người Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê… Họ sinh sống sơ khai với những phong tục, tập quán, luật tục đầy lạ lẫm và huyền bí đối với người Kinh ở dưới xuôi.
Khoảng từ thế kỉ 15 trở đi, các triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu quản lí vùng này nhưng cũng chỉ dừng ở phạm vi thu nhận cống phẩm và trao đổi sản vật chứ chưa can thiệp sâu vào đời sống, văn hóa của người bản địa. Cho đến cuối thế kỉ 19, khi người Pháp nắm được quyền kiểm soát Việt Nam, họ đã thực hiện hàng loạt các cuộc thám hiểm và chinh phục vùng đất Tây Nguyên còn hoang sơ và lạ lẫm này.
Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa cực kì phong phú và đa dạng. Nền văn hóa ấy gắn kết chặt chẽ với bản làng, với đặc trưng luật tục và những lễ hội đặc sắc trong không gian rừng đại ngàn mênh mông. Các lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên biểu thị những quan niệm về con người, về thần linh, tín ngưỡng, là những ngày hội vui với sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí cả các dòng tộc khác hoặc các buôn lân cận như lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ hội đua voi, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ bỏ mả… Mỗi hội lễ là một cuộc diễn xướng tiêu biểu cho đời sống văn hóa, luật tục cổ truyền của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy.
Ngày nay, Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá như: đàn đá, cồng chiêng, nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian đậm đà bản sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cố GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống ICTM của UNESCO từng nói về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như sau: “Những chiếc cồng chiêng là chiếc cầu nối thông linh giữa con người, thần linh và thế giới siêu nhiên. Bao ngàn đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng”.
Để khám phá vùng đất này, từ Quảng Nam chúng tôi theo đường Quốc lộ 14 ngược hướng lên Tây Nguyên với ý định đi dần ngược lên qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng rồi xuôi xuống Nha Trang để về lại Quảng Nam. Những cung đường miền núi mênh mang nắng và gió.
Những triền đồi đất bazan đỏ rực như màu hoa pơ-lang. Những cánh rừng cao su bạt ngàn hiên ngang trước gió. Tất cả ánh lên trong ánh chiều đỏ lựng cứ thế trôi dài mải miết qua ô cửa xe khiến cho ai nấy đều ngẩn ngơ trước khung cảnh tuyệt đẹp của chiều tà Tây Nguyên.
Suốt hành trình của chuyến đi, chúng tôi đã dừng lại nhiều nơi, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp kì diệu khác nhau của vùng đất Tây Nguyên, xứ sở của những ngôi nhà rông, nhà dài, của những đêm hội cồng chiêng và của những lễ hội đậm chất sử thi của người Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre Hrê, Cơ Ho, Xơ Đăng, Ê Đê, Mnông…
Tất cả như một cuốn phim lịch sử về vùng đất Tây Nguyên huyền thoại cứ thế chầm chậm lướt qua để rồi neo chặt vào tâm trí của những người lữ khách thích lang thang trên vùng đất đầy nắng và gió.
Dấu ấn đại ngàn
Trải qua hàng triệu năm thay đổi về mặt cấu tạo địa chất, địa mạo, vùng đất Tây Nguyên đã hình thành nên một hệ thống cảnh quan thiên nhiên cực kì ngoạn mục với nhiều đồi núi, sông hồ, thác nước, hang động, núi lửa… Đây chính là điều kiện lí tưởng cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thám hiểm núi rừng, hang động, thể thao mạo hiểm…
Đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ sở hữu trong lòng nó hàng trăm con sông, con suối, hồ nước, ngọn thác nên thơ có, hùng vĩ có, và được phân chia đều hầu như ở khắp 05 tỉnh. Ví như sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia – Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai); hệ thống các thác nước như Dray Nur, Dray Sap, Liêng Nung, Gia Long, Trinh Nữ, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Pren…
Đáng chú ý, năm 2014, sau hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Hội hang động Nhật Bản đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông. Đây được coi là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm ở Tây Nguyên.
Với một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài hơn 10 km cùng với dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000 – 7.000 năm và được các chuyên gia quốc tế đánh giá là rộng lớn và hấp dẫn hơn nhiều so với hang động núi lửa Manjanggul trên đảo Jeju – biểu tượng của du lịch Hàn Quốc, năm 2020 Công viên Địa chất Đắk Nông chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.
Trở lại với lịch sử khai phá vùng đất Tây Nguyên, trong nhật ký đề ngày 21 tháng 6 năm 1893, nhà thám hiểm, bác sĩ nổi tiếng người Pháp Alexandre Yersin (1863- 1943) đã ghi lại cảm xúc của mình khi phát hiện ra đỉnh Langbiang rằng: “Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này.”.
Việc bác sĩ Yersin khám phá ra đỉnh Langbiang đã đặt nền móng cho sự ra đời của thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt cũng như việc người Pháp liên tiếp mở rộng các cuộc thám hiểm, điều tra, khám phá vùng đất Tây Nguyên đã cho thấy vùng đất này chứa đựng trong lòng nó quá nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn khiến cho nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ không thể bỏ qua.
Điển hình như Đà Lạt, với điều kiện tự nhiên lí tưởng nhờ nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu ôn hòa quanh năm mát mẻ nên ngay từ đầu thế kỷ 20 đã được người Pháp lựa chọn xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng nổi tiếng được mệnh danh là “thủ đô mùa hè”, một “tiểu Paris” kiều diễm mang màu sắc ôn đới giữa xứ Đông Dương nhiệt đới gió mùa. Không chỉ người Pháp mà vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã cho xây dựng tại đây một khu biệt điện tráng lệ để tận hưởng cuộc sống vương giả trong những ngày còn tại vị.
Ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên, ngay từ đầu thế kỉ 20, thị trấn Măng Đen của tỉnh Kon Tum ngày nay cũng từng được người Pháp đưa vào tầm ngắm với ý định xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng, một Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên.
Có thể nói, hệ cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa độc đáo, gần như nguyên vẹn của Tây Nguyên chính là chiếc “chìa khóa vàng” giúp mở ra cánh cửa phát triển du lịch vùng theo hướng đặc sắc, tầm cỡ quốc gia và khu vực như kì vọng mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra trong chiến lược phát triển Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.