Phong phú tour du lịch văn hóa
Tại Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch văn hóa đã được UNESSCO định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm đến du lịch.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng khẳng định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa với nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc khi Việt Nam có tới 5 di sản văn hoá vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 07 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh…
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Nhiều điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là điểm phải đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên…
TS. Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung (tổng thu từ khách du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 – 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp).
Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng du lịch tiêu biểu của Tổ chức giải thưởng du lịch Thế giới như: điểm đến di sản hàng đầu thế giới (trong 3 năm 2019, 2020, 2022); điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019); điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (2019) – Hội An; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019); điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới – Đảo Ký Ức Hội An; điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới – Sun World Fansipan Legend (2022).
TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu toàn xã hội từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống chiếm tỷ trọng cao. Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên Huế từ 81.500 lượt (1990) đã đạt 4,817 triệu lượt (2019); doanh thu từ 154 tỷ (1990) đã tăng lên 12.000 tỷ (2019); đóng góp từ mức 7% trong GDP của tỉnh (1995) đã tăng lên trên 12% (2019). Trong đó điểm đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản.
Điều này cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhờ vậy, Cố đô Huế đã bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị di sản văn hóa của tổ tiên, di sản văn hoá Cố đô Huế đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Thừa Thiên Huế vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam. Trong tháng 3/2023, báo The Travel của Canada vừa bình chọn Huế là một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam mà du khách cần đến khám phá và trải nghiệm.
Yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc của từng dân tộc được lưu giữ trong các sản phẩm du lịch. (Nguồn UBDT) |
Cần cân bằng giữa kinh tế du lịch và văn hóa
Từ thực tiễn triển khai công tác khai thác giá trị văn hóa truyền thống của Cố đô Huế phục vụ phát triển du lịch bền vững, TS. Thanh Hải đã chia sẻ bài học kinh nghiệm: “Trong quá trình khai thác di sản văn hóa truyền thống cần đảm bảo cân bằng mối quan hệ giữa kinh tế du lịch và văn hóa. Kinh tế du lịch và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc, bổ sung cho nhau. Hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế du lịch của di sản văn hóa truyền thống để tạo động lực cho phát triển và giá trị văn hóa truyền thống cần được nhìn nhận một cách xác đáng như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội”.
Tuy nhiên, cũng không nên quá đề cao mục tiêu kinh tế du lịch, lợi nhuận mà không quan tâm đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Không nên hy sinh di sản văn hóa truyền thống vì các mục tiêu phát triển kinh tế du lịch. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo vào mục đích bảo vệ, bảo tồn mà không biết khai thác giá trị văn hóa truyền thống độc đáo phục vụ phát triển du lịch. Như vậy, vô hình trung lại rơi vào tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng để phát triển các loại hình du du lịch, dịch vụ, đồng thời tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Để thực sự tận dụng được nguồn tài nguyên và phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch văn hóa sao cho phù hợp để có hiệu quả nhất. Muốn phát triển du lịch văn hóa trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa.
Thứ hai là định hình và xây dựng được thương hiệu của mỗi địa phương dựa trên các nền tảng văn hóa vốn có nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, của khách du lịch trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt ở những địa phương giàu tài nguyên du lịch văn hóa nhưng điều kiện kinh tế – xã hội còn chậm phát triển.
Ngoài ra, việc thúc đẩy quảng bá, gắn văn hóa với phát triển du lịch thông qua các nhân vật/biểu tượng trở thành đại sứ văn hóa và đại sứ du lịch nhằm quảng bá Việt Nam ra thế giới; đẩy mạnh quảng bá tại các hội chợ, triển lãm quốc tế cũng như trong nước; xây dựng các ấn phẩm quảng bá ấn tượng… cũng là một giải pháp đáng lưu ý.
TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đưa ra ý kiến: “Phát triển nguồn lực nhân lực cho công tác quản lý điểm đến cần được xem xét cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, số lượng là số vị trí làm việc, số chuyên ngành/chuyên môn/kỹ năng đào tạo phục vụ vận hành và quản lý điểm đến. Chất lượng nguồn nhân lực cần được xem xét ở cả trình độ chuyên môn, các chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với lao động, các cơ chế và hệ thống đào tạo cũng là các vấn đề được xem xét một cách toàn diện trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho công tác quản lý điểm đến”.